ĐOÀN ĐBQH TỈNH VÍNH LONG TIẾP TỤC GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ TÔN TẠO DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA

23/08/2019

Tiếp tục chương trình giám sát công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2014-2018, chiều 21/8, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đã có buổi giám sát tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Tỉnh Vĩnh Long hiện có 715 di tích, trong đó có 59 di tích được xếp hạng gồm 11 di tích cấp quốc gia và 48 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2014-2018, tỉnh đã tiến hành trùng tu 42 di tích với kinh phí hơn 116,04 tỷ đồng. Hằng năm, các di tích trên địa bàn đón trung bình khoảng 300.000 lượt khách đến tham quan, chiếm bái và tìm hiểu.

Theo đại diện Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, khó khăn hiện nay của tỉnh là các di tích trên địa bàn đang bị xuống cấp nhưng nguồn kinh phí hạn chế, việc trùng tu chỉ mang tính chấp vá, thiếu đồng bộ; vấn đề xâm phạm di tích vẫn còn xảy ra tại một số di tích; ý thức bảo tồn di tích của người dân chưa cao, công tác quản lý hiện vật còn gặp khó.

Anh Nguyễn Trung Tính – Phó Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long – cho biết: “Ý thức bảo tồn di tích của người dân chưa cao, nhất là những di tích chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Công tác quản lý tài sản, hiện vật tại di tích gặp nhiều khó khăn. Tại di tích, tài sản hiện vật do Ban quản lý di tích, hội phụng tự, Ban quản trị, tăng ny quản lý. Tại đình làng, miếu do không có kinh phí chi trả cho người thủ từ dẫn đến di tích không có người trông coi, dễ mất trộm hiện vật”.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện tu bổ các di tích cấp quốc gia xuống cấp; đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản quy chế phân cấp quản lý di tích để tỉnh tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích được thuận lợi; kiến nghị tỉnh xem xét có kế hoạch thu hồi đất bố trí xây dựng nhà thờ nhà thơ Nhiêu Tâm.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Sở làm rõ một số vấn đề liên quan như: việc phân cấp quản lý các di tích trên địa bàn thời gian qua; công tác phối hợp giữa ngành văn hóa thể thao và du lịch với các đơn vị liên quan trong thực hiện tuyên truyền giá trị các di tích lịch sử cho học sinh, sinh viên trên địa bàn; thời gian tới ngành có giải pháp gì để phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa vì hiện nay nội dung hoạt động tại các di tích còn đơn điệu.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công ghi nhận những nỗ lực của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn thời gian qua, đặc biệt là việc duy trì giá trị các di tích, hoạt động của các lễ hội,… tạo điều kiện cho bà con, nhân dân tham gia sinh hoạt; đồng thời đề nghị đơn vị tiếp tục quan tâm bảo tồn, kiến tạo, giữ gìn các di tích, trong đó phải chú trọng đến cảnh quan, tạo sự hấp dẫn để di tích trở thành điểm đến thu hút khách. Trưởng Đoàn giám sát lưu ý: “Cần quan tâm hơn nữa đến các công trình văn hóa lịch sử của địa phương. Đối với các công trình đã được xếp hạng, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác thanh tra chuyên ngành. Ngoài thanh tra để phát hiện những sai phạm, cần kiểm tra kỹ những xâm hại đến các di tích, bảo vệ cảnh quan của các di tích hiện nay”.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Lưu Thành Công cũng đề nghị Sở cần kiện toàn Ban quản lý các di tích, đào tạo lực lượng kế thừa để phát huy tính sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong công chúng; tiếp tục thu hút nguồn xã hội hóa để thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích được gìn giữ tốt hơn./.

Vũ Thạch