NÂNG CAO VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

23/08/2019

Chiều ngày 23/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp năng lượng, vật liệu xây dựng và chế biến thực phẩm.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Tại buổi làm việc, đại diện sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, qua các đợt thanh, kiểm tra trong 3 năm 2015 - 2018 đã phát hiện và xử phạt 51 trường hợp với số tiền xử phạt gần 1tỷ 500 triệu đồng, chủ yếu vi phạm các lỗi không thực hiện quan trắc; đổ chất thải rắn không đúng quy định; khu vực chứa chất thải nguy hại không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn; xả thải vượt quy chuẩn môi trường cho phép và khai thác cát trái phép.

Phát biểu ý kiến, nhiều thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc còn xảy ra vi phạm về công tác bảo vệ môi trường là do trước đây Tỉnh không quy hoạch tốt về hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến thực phẩm (trên 1.000 đơn vị) gây khó cho công tác kiểm tra, giám sát về lĩnh vực này.

Đánh giá cao việc nhìn nhận, xử lý, khắc phục những vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Thái Bình, đại biểu cho rằng lãnh đạo tỉnh Thái Bình, các đơn vị chức năng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc 

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Nhiệm vụ tới đây của tỉnh Thái Bình là phải dự báo xu thế phát triển để quy hoạch sản xuất, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Tức là phát triển kinh tế - xã hội gắn với môi trường, trong đó chú trọng việc xây dựng quy tắc, quy chế, khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp hành xử đúng đắn, thực hiện tốt việc phát triển sản xuất kinh doanh gắn với công tác bảo vệ môi trường

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng khẳng định sẽ xử lý dứt điểm vấn đề nước thải của các doanh nghiệp trong năm 2019. Tháng 7/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành nghị quyết về việc không tiếp nhận các doanh nghiệp đầu tư vào Thái Bình có sử dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường hay doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ trong sản xuất để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần văn Minh phát biểu kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần văn Minh - Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị tỉnh Thái Bình cần tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm, đặc biệt xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Tiền Hải. Phó Chủ nhiệm Trần Văn Minh cũng đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác bảo vệ môi trường qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Hội đồng nhân dân tỉnh nên cân nhắc nghiên cứu xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo tính định hướng thực hiện Nghị quyết của Đảng cũng như huy động nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường.

+ Trước đó, Đoàn đã giám sát trực tiếp tại 4 đơn vị gồm Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh sứ Hảo Cảnh, Công ty Cổ phần kỹ thương Thiên Hoàng  và Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng.

Đoàn giám sát thực tế tại khu vực đóng gói Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng

Đoàn giám sát thực tế tại Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh sứ Hảo Cảnh

Đoàn giám sát thực tế tại Công ty Nhiệt điện Thái Bình

Qua giám sát nhận thấy nhiều đơnvị đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuy nhiên vẫn còn thiếu quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường. Đáng nói là 3/4 đơn vị vi phạm về thủ tục hành chính là thiếu xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; 4/4 đơn vị vi phạm về quản lý chất thải nguy hại, các hệ thống  xử lý nước thải bị tắc và lẫn vào nước mưa. Cá biệt có doanh nghiệp  khi Đoàn tiến hành giám sát vẫn đang bơm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường./.

Bích Hạnh

Các bài viết khác