CẦN CÓ LÝ GIẢI RÕ RÀNG CHO VIỆC LỰA CHỌN MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN

25/07/2019

Một trong những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Luật chứng khoán được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán. Để có thêm cơ sở chỉnh lý dự thảo luật, mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Theo các đại biểu, dù lựa chọn mô hình nào cũng cần có lý giải hợp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không gây xáo trộn về tổ chức và hoạt động của các Sở, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định Sở giao dịch chứng khoán được thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu và việc kết nối giao dịch chứng khoán với Sở giao dịch chứng khoán nước ngoài của Sở giao dịch chứng khoán theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Theo quan điểm của Ban soạn thảo, mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán được sửa đổi để đảm bảo phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đồng thời tính đến các yếu tố đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể của Sở giao dịch chứng khoán bảo đảm cho Sở giao dịch chứng khoán thực hiện tốt chức năng tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán. Quy định tại dự thảo Luật thể chế hóa chủ trương thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nhằm thống nhất, đồng bộ cơ ché quản lý, giám sát, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí việc Sở giao dịch chứng khoán là một đầu mối và được đặt tại trung tâm tài chính (Hà Nội hoặc Tp.Hồ Chí Minh). Nếu tổ chức Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là công ty mẹ của hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ thêm một cấp trung gian nữa và sẽ không phù hợp với điều hành kinh tế thị trường. Có ý kiến cho rằng đối với hoạt động của sở giao dịch chứng khoán thì có thể có văn phòng hoặc có chi nhánh ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay các đô thị lớn khác để thuận tiện cho các nhà đầu tư cũng như việc huy động vốn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải giải trình quan điểm của Bộ Tài chính

Về vấn đề này, tại hội thảo lấy ý kiến dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải nêu rõ, Bộ Tài chính kiến nghị giữ nguyên mô hình tổ chức, hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán như quy định tại dự thảo Luật.  

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải lý giải, trên thế giới hiện này có xu hướng sáp nhập các Sở giao dịch chứng khoán trong mỗi quốc gia, thậm chí xuyên quốc gia để thành lập các tập đoàn/ công ty mẹ - con. Đối với Việt Nam, việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình công ty mẹ- con về bản chất là việc thực hiện sắp xếp lại các chức năng nhiệm vụ đang phân tán tại các Sở giao dịch chứng khoán hiện nay. Theo đó, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (công ty mẹ) thực hiện một số chức năng như xây dựng chiến lược phát triển chung, thống nhất đầu mồi quản lý về tài chính, định hướng đầu tư công nghệ, quản lý nhân sự, chỉ đạo giám sát thị trường tài chính, giám sát các công ty con trong tổ chức vận hành các thị trường giao dịch chứng khoán, ban hành quy chế chuyên môn nghiệp vụ. Các công ty con tập trung thực hiện vận hành thị trường giao dịch chứng khoán chuyên biệt, trong đó Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh tập trung vận hành thị trường cổ phiếu, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tập trung vận hành thị trường trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Như vậy sẽ hạn chế việc trùng lặp về chức năng nhiệm vụ của 2 Sở và giúp tập trung vào chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả quản lý giám sát thị trường.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, việc tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con có cái hay là trong trường hợp thị trường thất bại hoặc thành công thì việc rút về hoặc mở rộng thêm sở hay trung tâm nào đó cũng dễ dàng. Đó là cách để tiến, lùi đều tốt hơn so với mô hình hiện nay.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, cũng như nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 bày tỏ ủng hộ mô hình có 1 Sở giao dịch chứng khoán. Nhưng qua thảo luận tại hội thảo cho thấy mô hình công ty mẹ - con cũng có những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng Bộ Tài chính chưa có lí giải một cách thực sự thuyết phục, cần được làm rõ và xem xét thêm.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cũng cho rằng thiết kế Sở giao dịch chứng khoán theo mô hình công ty mẹ- con hay 1 Sở nhiều sàn thì đều có những ưu nhược điểm khác nhau, đồng thời cũng lưu ý nếu lựa chọn mô hình công ty mẹ- con thì quy định phải rất rõ ràng để làm sao công ty mẹ không can thiệp quá nhiều vào các công ty con ở dưới.

Do vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc lựa chọn mô hình tổ chức của Sở giao dịch chứng khoán. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ Tài chính sẽ có tổng hợp các ý kiến góp ý để báo cáo Chính phủ để có phương án trình chính thức./.

Bảo Yến

Các bài viết khác