QUAN TÂM TẠO ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI PHÁT TRIỂN

28/06/2019

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề tình trạng nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhưng nhưng hiệu quả thực hiện không cao. Do đó cần tích hợp chính sách, tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách để tạo động lực cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển và từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước.

Đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, phản ánh mặt trái của cơ chế thị trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang bị ảnh hưởng, kinh tế phi chính thức gây bức xúc trong lòng đồng bào dân tộc. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống để tạo sinh kế của đồng bào.

 Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Hiện nay, một số nơi, đất rừng tự nhiên đang bị tàn phá trầm trọng, khai thác bừa bãi, không đúng quy định ngày càng tăng. Rừng quý hiếm của cả nước đang mất dần, đất bị phong hóa, sói mòn, sạt lở nghiêm trọng, nguồn nước mặt và nước ngầm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đang ngày càng cạn kiệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, giao thông đi lại hiểm trở, cuộc sống của đồng bào thiếu điều kiện sinh kế. Cả nước hiện còn 221.754 đồng bào thiếu đất sản xuất. Kết quả giám sát từ Nghị quyết số 112 của Quốc hội cho thấy, việc giao đất, giao rừng tỷ lệ thấp, chỉ đạt 11,5%. Việc cấp giấy chứng nhận đất chỉ đạt 10,7%. Nhiều đất ở, đất sản xuất ở nông thôn, buôn, sóc, bản làng nơi sinh sống chưa được quy hoạch.

Đại biểu Tống Thanh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, cho biết diện tích rừng cả nước hiện nay chủ yếu tập trung ở vùng, địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn là miền núi, khu vực biên giới đầu nguồn các con sông, suối. Song, thực tế cho thấy chưa có khu vực nào đồng bào dân tộc thiểu số có thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế, có thu nhập và sống ổn định từ rừng. Đặc biệt còn đang tồn tại nghịch lý là địa phương nào làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, có diện tích rừng càng lớn, độ che phủ rừng càng cao thì thu ngân sách càng thấp, kinh tế - xã hội kém phát triển hơn và tỷ lệ đói nghèo càng cao.

Theo đại biểu Rơ Châm Long - Doàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, điều đáng quan tâm nữa là mức độ chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa người Kinh và dân tộc thiểu số ngày càng lớn, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn là những người ít được hưởng lợi nhất của kinh tế tăng trưởng đất nước. Người dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số cả nước nhưng chiếm 70% nhóm đối tượng nghèo. Không chỉ ở miền núi Tây Nguyên, ở nhiều vùng quê nhiều người còn nghèo khó về mọi mặt.

Dàn trải nhiều chính sách

Phát biểu về các chính sách nhằm phát triển vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ, chỉ trong 3 năm từ năm 2016 đến năm 2018, Chính phủ đã ban hành 41 chính sách, nâng tổng số chính sách đối với đồng bào dân tộc và miền núi, tính đến cuối năm 2018 đã lên con số 118,  trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp. Trong khi cơ chế nguồn lực khác nhau rất dàn trải, phân tán, có chính sách nguồn lực chỉ đáp ứng khoảng 30 đến 40% gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện, theo dõi tổng hợp đánh giá. Đại biểu cho rằng nếu tổ chức kiểm tra tìm ra nguyên nhân tập trung, giải quyết tháo gỡ nút thắt này, chắc chắn sẽ giải phóng hơn nữa tiềm lực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Đại biểu Leo Thị Lịch cho biết thêm, chính sách ban hành với mục tiêu thì lớn nhưng thực tế chính sách người dân thì nhỏ giọt, như dân thường nói là "đầu voi đuôi chuột". Một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành nhưng chưa có nguồn lực triển khai thực hiện như Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2086 đã được phê duyệt năm 2006 đến nay năm 2019 mới được ghi phân bổ nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn lực.

Đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, cũng cho biết, qua giám sát ban đầu ở một số địa phương về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên vùng địa bàn các dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2012 – 2018 cho thấy các chính sách giảm nghèo cùng với nguồn lực đầu tư to lớn của nhà nước đã tăng cường kết cấu hạ tầng, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo chung đều giảm qua các năm. Tuy nhiên, chương trình chưa đạt mục tiêu đề ra và còn nhiều hạn chế, tồn tại. Trong đó đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số tăng lên và tăng ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, sinh kế không ổn định, thu nhập bấp bênh và thấp, nguy cơ tái nghèo cao.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí nguồn vốn và cấp kịp thời để thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, các chính sách dân tộc đã ban hành trong giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời chuẩn bị và tổ chức đánh giá tổng kết các chương trình này, làm rõ các thành tựu đạt được, thấy rõ thực trạng các vướng mắc, bất cập của chính sách và tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Tích hợp chính sách để tập trung nguồn lực

Cho biết hiện nay chưa có những chính sách giảm nghèo ưu tiên đặc thù đối với dân cư nông thôn và các vùng đồng bào dân tộc miền núi có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số miền núi trong thời gian vừa qua. Để tạo động lực cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển và từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước, đại biểu Võ Đình Tín – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững, trong đó cần tập trung cho các chính sách về hỗ trợ khuyến khích người dân thoát nghèo bền vững, đặc biệt cần có chính sách quan tâm đến hộ nghèo là đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, hộ nghèo không có khả năng lao động.

Đại biểu Võ Đình Tín – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Hai là cần tích hợp các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thành một để tập trung nguồn lực giảm nghèo có hiệu quả cho người nghèo theo từng đối tượng để họ phát huy nguồn lực vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Ba là bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển thực hiện chính sách đặc thù, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi và đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người theo Quyết định 2085 và Quyết định 2086 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là xây dựng chiến lược phát triển tiềm năng du lịch trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết đối với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực vùng, đầu tư công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng của sản phẩm hàng hóa.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy Vượt – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, đề nghị Trung ương tiếp tục tập trung nguồn lực giải quyết căn cơ về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất. Đại biểu nhấn mạnh, điều này giữ vai trò then chốt giúp người dân có tư liệu sản xuất, giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, góp phần ổn định chính trị. Đồng thời, không quy hoạch, phê quyệt dự án có thu hồi đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số khi chưa được bố trí đất tái định cư và đất định canh, xem xét thận trọng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước về đất đai ở Tây Nguyên nhằm hài hòa các lợi ích, đảm bảo sinh kế lâu dài của nhân dân. Chính vì vậy, cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ của bộ, ngành Trung ương, đồng thời có sự chia sẻ vì cộng đồng của các doanh nghiệp.

Bảo Yến