ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: BỘ TÀI CHÍNH CẦN CÓ GIẢI PHÁP TRÁNH THẤT THU THUẾ

21/01/2019

Trong công tác quản lý thuế hiện hành đa phần chỉ phù hợp với loại hình taxi truyền thống, còn với loại hình xe hợp đồng vận tải điện tử thì đang gây lúng túng cho cơ quan quản lý. Tại kỳ họp thứ 5, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đã chất vấn Bộ Tài chính về biện pháp quản lý đối với loại hình xe hợp đồng vận tải điện tử, tránh thất thu thuế cho nhà nước.

Công tác quản lý thuế chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của nền kinh tế

Tháng 7/2017, Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của Uber B.V và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế với tổng số tiền thuế truy thu và phạt là 66 tỷ 684 triệu đồng. Tính đến tháng 02/2018, Công ty TNHH Uber đã thực hiện nộp số tiền thuế truy thu, tiền phạt, tiền chậm nộp là hơn 13 tỷ 300 triệu đồng. Tổng số thuế truy thu, tiền phạt còn hơn 53,3 tỷ đồng.

“Công ty có nói là thu hộ thuế của tài xế cho Nhà nước, nhưng việc công ty có đóng cho Nhà nước thật hay không thì chúng tôi không biết. Nhưng hàng tháng, chúng tôi đều được công ty thông báo là trích một phần để nộp thuế” - một lái xe đã từng làm việc cho Công ty TNHH Uber cho biết.

Công ty TNHH Grab được Bộ Tài chính đưa vào diện kiểm soát thuế trọng điểm.

Cuối tháng 3/2018, Công ty TNHH Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab.

Ngày 08/4/2018, sau khi Uber B.V chính thức rút khỏi Việt Nam, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh loay hoay thực hiện cưỡng chế truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Công ty Uber. Về đến vấn đề này, Công ty TNHH Grab thì khẳng định không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, cho nên đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế tại Việt Nam.

Sau hàng loạt các biện pháp cưỡng chế theo quy định, tháng 9/2018, đại diện Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết Công ty Uber đã nộp đủ số tiền 53,6 tỷ đồng còn lại theo quyết định truy thu của của Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh.

Như vậy, đến thời điểm này việc truy thu tiền thuế đối với Công ty TNHH Uber đã hoàn tất. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế nhìn từ câu chuyện của Uber là bài học nhãn tiền, cho thấy chính sách thuế của Việt Nam vẫn chưa bắt kịp với xu hướng phát triển của kinh tế. Đó là chưa kể, việc thu thuế hiện nay đang gây bức xúc cho các doanh nghiệp taxi truyền thống, mà điển hình là việc Công ty Cổ phần Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun, đã khởi kiện Công ty TNHH Grab ra tòa vì có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương đề nghị cần quản lý loại hình xe hợp đồng điện tử giống như taxi truyền thống.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương, cho rằng chính mô hình xe hợp đồng vận tải điện tử đã làm thất thoát tài sản, tiền thuế của dân, của Nhà nước, của xã hội và đề nghị ngành chức năng cần đánh giá khách quan, đầy đủ chính xác và có cơ sở thực tiễn việc quản lý loại hình xe hợp đồng điện tử.

Thành lập năm 2003, hơn 15 năm phát triển, Vinasun là doanh nghiệp có đóng góp ngân sách nhà nước cao nhất ngành vận tải taxi. Nếu như năm 2014-2016, với số phương tiện bằng 1/6 Grab, Vinasun đóng gần 1.200 tỷ đồng tiền thuế thì Grab chỉ đóng 9,5 tỷ đồng. Kinh doanh trên cùng địa bàn, phục vụ cùng khách hàng, cùng trang bị phần mềm đặt xe hiện đại nhưng nghĩa vụ, trách nhiệm của Vinasun đối với nhà nước, người lao động, khách hàng lớn hơn nhiều lần Grab.

Sau 2 năm thí điểm mô hình hợp đồng vận tải điện tử, từ 1 doanh nghiệp có doanh thu trên 4.000 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách hàng năm trên 500 tỷ đồng, Vinasun buộc phải sa thải gần 10.000 lao động. Doanh nghiệp này mong muốn cơ chế bình đẳng, công bằng với các chủ thể tham gia kinh doanh, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được cơ quan nhà nước xử lý.

Nhiều lái xe Vinasun bày tỏ lo lắng: "Nếu chính sách có thay đổi thì Grab ngày càng phát triển, còn những công ty trong nước thì sẽ bị phá sản. Người lao động như chúng tôi cũng chưa biết đi về đâu. Tôi mong muốn Nhà nước ban hành chính sách để tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp. Chúng tôi nghĩ, đã là vận tải hành khách thì cần có phù hiệu chung và cần được quản lý như các doanh nghiệp taxi hiện nay”

Lái xe Vinasun

Trong khi đó, với số lượng xe của Uber và Grab rất lớn, thì số thuế mà hai doanh nghiệp này phải nộp lại không đáng kể. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tổng doanh thu của Grab 3 năm (2014-2016) là 1.755 tỉ đồng, đã nộp thuế hơn 9,5 tỷ đồng. Qua hoạt động thanh tra Grab, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh đã xử lý tăng thuế hơn 2,9 tỷ  đồng.

Đối với Uber, Cục Thuế Tp.Hồ Chí Minh báo cáo tổng doanh thu 3 năm (2014, 2015, 2016) và 6 tháng đầu năm 2017 là 2.706 tỷ đồng, số thuế đã nộp hơn 76,8 tỷ đồng. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thuế hơn 66,6 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi các chính sách thuế để quản lý và khai thác các “mỏ vàng” như thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, Facebook, Zalo, Uber, Grab... được nghiên cứu một cách chậm chạp thì cơ quan thuế của nước ta lại nghĩ nhiều đến việc tăng thuế suất như đề xuất tăng VAT, thuế môi trường với xăng dầu, áp thuế tài sản với nhà, đất và một số tài sản khác….

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, cho rằng: Phương thức quản lý của cơ quan chức năng cần vừa đảm bảo công bằng nhưng cũng không làm triệt tiêu các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hai vấn đề này chỉ có thể giải quyết được bằng cách tìm ra biện pháp quản lý mới, yếu tố quản lý mới bằng thể chế, bằng cách quản lý hiện đại phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về công tác quản lý thuế hiện nay chưa bắt kịp với thực tiễn cuộc sống. Những phương thức để quản lý thuế với loại hình thương mại điện tử đưa ra trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến còn mờ nhạt. Hoạt động kinh doanh game trực tuyến, bán hàng qua mạng... đã cho thấy thương mại điện tử đang nở rộ và mang lại thu nhập rất lớn. Dù ngành thuế đã có rất nhiều nỗ lực để thu thuế nhưng kết quả mang lại vẫn còn chưa sát với thực tế. Điều này đỏi hỏi ngành giao thông vận tải cần làm rõ loại hình hợp đồng vận tải điện tử với taxi truyền thống, từ đó tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như thu thuế.

Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, không chỉ lúng túng trong quản lý thuế đối với Uber, Grab, thời gian qua cơ quan thuế cũng khá “bối rối” với nhiều lĩnh vực kinh doanh mới như Facebook, Zalo, Google… Ngoài ra, việc đấu tranh chống chuyển giá, thất thu thuế của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất bế tắc. Hậu quả là một số lĩnh vực kinh doanh có doanh thu rất cao nhưng đóng góp nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước lại khiêm tốn.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát thuế trọng điểm, tránh thất thu ngân sách Nhà nước

Trước những bất cập trong công tác thu thuế đối với loại hình hợp đồng vận tải điện tử, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn Bộ Tài chính về những giải pháp kiểm soát thuế trọng điểm đối với Công ty TNHH Grab Việt Nam. Ngày 15/6/2018 Bộ Tài chính đã có công văn số 7121 trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về những biện pháp thiết thực kiểm soát thuế trọng điểm đối với Công ty TNHH Grab. Công văn của Bộ Tài Chính nêu rõ: Năm 2017, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế của Công ty Grab và truy thu thuế, xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Cơ quan thuế đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để rà soát việc sử dụng nguồn tài trợ vốn từ nguồn vay nợ Công ty mẹ ở nước ngoài của Grab để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại.

Công văn của Bộ Tài chính cũng khẳng định, năm 2018 Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế tiếp tục đưa Công ty Grab vào diện giám sát trọng điểm, áp dụng các biện pháp như quản lý đăng ký thuế; quản lý, kiểm tra khai thuế, nộp thuế; phân tích rủi ro, trường hợp có rủi ro cao sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với Công ty Grab.

Có thể nói, chính sách quản lý thuế hiện hành đã có quy định đầy đủ theo nguyên tắc được đưa ra: Người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan Thuế chỉ thực hiện chức năng hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro. Tuy nhiên, loại hình taxi công nghệ không chỉ mới và duy nhất nước ta mà còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý của nhiều nước trên thế giới. Các chính sách thuế hiện hành đa phần chỉ phù hợp với loại hình taxi truyền thống. Điều này đang khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong cách tiếp cận quản lý thuế đối với loại hình doanh nghiệp này. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn, thương mại điện tử là một xu thế phát triển tất yếu, mức tăng trưởng và biến chuyển thị trường tại Việt Nam cũng đang diễn ra rất nhanh, nếu ngành thuế cứ mãi quản lý theo cách cũ thì sẽ có thêm nhiều vụ việc tương tự như Grab hay Uber và vấn đề thất thu thuế là khó tránh khỏi. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa về vấn đề này:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về truy thu khoản nợ thuế do Công ty Uber chuyển nhượng cho Công ty Trách nhiệm hạn Grab Việt Nam. Xin đại biểu cho biết cụ thể hơn về nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi chất vấn Công ty Uber đã chuyển nhượng cổ phần cho Grab nhưng vẫn còn nợ thuế hơn 53 tỷ đồng, số tiền này sẽ do đơn vị nào trả, để khoản nợ này không bị thất thu ngân sách nhà nước. Nội dung thứ hai là Bộ Tài chính đã có công văn trả lời về việc quản lý thuế đặc biệt đối với Grab, từ đó đến nay ngành thuế có giải pháp như thế nào để tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Phóng viên: Ngày 15/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn số 7121 trả lời, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của bộ trưởng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi đánh giá cao Bộ Tài chính rất cầu thị trả lời chất vấn, kịp thời, thể hiện quyết tâm đưa công ty công nghệ đưa vào diện kiểm soát thuế đặc biệt và cũng có phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kiểm tra, giám sát dòng tiền của công ty mẹ để chi cho Công ty Grab Việt Nam để tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước và gian lận thương mại. Đây là động thái quyết tâm của ngành thuế đối với Công ty Grab ở Việt Nam.

Phóng viên: Vừa qua, Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xử vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và Công ty Trách nhiệm hạn Grab Việt Nam. Xung quanh vụ việc này có ý kiến cho rằng Grab có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua, Vinasun đã khởi kiện Công ty Grab ra Tòa án Tp. Hồ Chí Minh với lý do gây thiệt hại cho hoạt động taxi truyền thống gần 40 tỷ đồng do sử dụng công nghệ và có dấu hiệu gian lận thương mại, cho rằng cạnh tranh không lành mạnh, do trợ giá cho loại hình vận tải này, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Vinasun. Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng và ngành Tòa án cần có sự quyết tâm lớn để xét xử công bằng cho Vinasun cũng như công bằng cho Grab, trả lại thực tế nếu Vinasun có chứng cứ đầy đủ và hợp pháp thì Tòa án cần có xét xử công khai minh bạch và công bằng.

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu cũng đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về Công ty Grab taxi liên tục thua lỗ trong 3 năm và trong công văn trả lời Bộ Tài chính cũng khẳng định đưa công ty này vào danh sách kiểm soát thuế trọng điểm. Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu lại tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về kết quả của việc kiểm soát doanh nghiệp này. Đại biểu đánh giá như thế nào về chuyển biến trong việc thực hiện trong thời gian qua?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng có động thái thể hiện quyết tâm, đưa công ty công nghệ vào diện kiểm soát thuế đặc biệt và đến nay đã chỉ đạo ngành thuế thường xuyên thanh tra, kiểm tra trốn thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế của Công ty Grab, tránh tình trạng công ty này trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại, đặc biệt là kiểm soát đầu vào nguồn tiền của Công ty mẹ của Grab từ nước ngoài vào Việt Nam có hợp pháp hay bất hợp pháp hay rửa tiền. Tôi nghĩ rằng, ngành thuế cần quan tâm đặc biệt hơn, nhất là ngành thuế phải làm việc với Công ty Grab để kê khai về thuế trung thực, khách quan trong hoạt động. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan thuế có quyền ấn định thuế, để Công ty Grab nộp thuế hàng tháng hoặc hàng quý theo quy định của pháp luật về thuế, như vậy sẽ phù hợp hơn, tránh sự thất thoát và gian lận sau này, trả lại sự minh bạch của loại hình taxi công nghệ cũng như loại hình taxi truyền thống bình đẳng như nhau, với tinh thần cạnh tranh không loại bỏ mà cạnh tranh lành mạnh với pháp luật hiện nay.

Phóng viên: Tình trạng nợ trốn thuế, hay cố tình sử dụng các chiêu trò để giảm số thuế phải đóng không chỉ xảy ra ở Công ty Grab mà nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đại biểu, ngành tài chính cần có giải pháp gì để thắt chặt cũng như kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thu ngân sách nhà nước?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Các doanh nghiệp thời gian qua dùng những chiêu trò để trốn tránh việc thu thuế của nhà nước làm hạn chế thất thu thì ngành tài chính và ngành thuế cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, hàng năm để có định mức thuế hợp lý. Đối với doanh nghiệp hiện nay đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng có một số doanh nghiệp trốn thuế, thành lập công ty sau đó hoạt động rồi thu tiền, rồi lại để lại khoản nợ lớn cho Việt Nam. Đây là bài học kinh nghiệm cho ngành thuế, cần phải thường xuyên giám sát, kiểm tra, quyết toán để đảm bảo công bằng của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Việt Nam đều phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo pháp luật của Việt Nam.

Phóng viên: Liên quan đến quản lý loại hình hợp đồng vận tải điện tử, tại Đề án 24 "Thí điểm loại hình hợp đồng vận tải điện tử" đã bộc lộ nhiều bất cập trong thời gian qua. Mặc dù các chuyên gia kinh tế, những nhà làm luật, cộng đồng doanh nghiệp vận tải đã rất nhiều lần kiến nghị về những vấn đề bất cập này. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải vẫn cố bảo vệ loại hình hợp đồng điện tử này theo hướng có lợi cho Grap. Quan điểm của Đại biểu như thế nào trước động thái này của Vụ Vận tải?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Bộ Giao thông vận tải đã có dự thảo Nghị định trình Chính phủ về loại hình hoạt động của taxi công nghệ hoặc taxi truyền thống tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng, thời sự, bức xúc của các doanh nghiệp chạy taxi hiện nay nên tôi thấy Nghị định của Bộ phải công khai minh bạch rõ ràng. Taxi công nghệ hay truyền thống đều là loại hình taxi có thu tiền nên cần có sự minh bạch, có gắn lô gô hoặc có mào để phân biệt taxi truyền thống với taxi công nghệ hoặc xe của tư nhân chạy hợp đồng, cần phân biệt rõ ràng, trán tình trạng giữa loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ cạnh tranh không lành mạnh, thể hiện sự minh bạch trong hoạt động thu thuế, bảo vệ an toàn cho hành khách và tài xế khi lưu thông trên đường phố. Nếu có sự cố xảy ra thì công ty phải đồng hành, chịu trách nhiệm cùng với tài xế, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho hành khách.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

 

Lan Hương