Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Kiến trúc như Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Qua nghiên cứu, nhiều đại biểu nhận thấy hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có luật về hành nghề kiến trúc. Các sản phẩm kiến trúc gồm kiến trúc công trình, kiến trúc không gian phục vụ con người, phát triển văn hóa xã hội góp phần thể hiện sắc thái văn hóa không chỉ riêng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc mà còn cả của từng vùng, miền, địa phương. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập, yếu kém trong hoạt động kiến trúc hiện nay, góp phần định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế thì việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết.
Quan tâm đến chính sách của nhà nước về kiến trúc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - tỉnh Đăk Nông, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật. Cụ thể, phân định rõ hai nhóm chính sách ưu tiên là hỗ trợ và khuyến khích; nghiên cứu bổ sung các mục nhà nước hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí cho một số hoạt động kiến trúc như bảo vệ, phát huy các di sản, các công trình kiến trúc có giá trị, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và nhân cao nhận thức của cộng đồng về kiến trúc. Đại biểu chỉ rõ, các quy định này nếu được bổ sung sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển cho kiến trúc Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu
Cũng trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Trường Giang có đề cập đến vấn đề quản lý kiến trúc quy định ở Chương 2. Đại biểu chỉ ra rằng, quy chế quản lý kiến trúc là một công cụ quản lý kiến trúc rất quan trọng để quản lý, phát triển kiến trúc tại địa phương; khắc phục những bất cập trong quản lý kiến trúc hiện nay; thiết lập trật tự, xác định đối tượng, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, có vai trò quan trọng đến phát triển kinh tế xã hội và là cơ sở pháp lý để cấp hép xây dựng. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quy chế, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm đinh, phê duyệt, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy chế; quy đinh thẩm quyền phê duyệt quy chế kiến trúc chung và chi tiết.
Đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh - tỉnh Bình Định quan tâm về nguyên tắc hoạt động kiến trúc quy định tại Điều 4. Theo đại biểu, kiến trúc nông thôn thực hiện theo quản lý kiến trúc của địa phương, do đó nguyên tắc đầu tiên cần phải đưa ra đó là tuân thủ Quy chế quản lý kiến trúc, quy chuẩn, quy hoạch xây dựng; nguyên tắc tiếp theo là giữ gìn công trình kiến trúc truyền thống, phát huy kiến trúc mang bản sắc địa phương, văn hóa Việt đối với các công trình văn hóa; ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật, vật liệu xây dựng mới trong lĩnh vực kiến trúc, đảm bảo hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng phù hợp với tính chất của từng công trình…
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai đưa ra quan điểm
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - tỉnh Hưng Yên, băn khoăn về việc Dự thảo Luật đưa ra rất nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kiến trúc, song cơ sở để quản lý chính là các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy chuẩn kỹ thuật thì lại phải chờ ban hành. Như vậy Luật Kiến trúc chỉ là các quy định, nguyên tắc chung kiểu luật khung, luật ống. Từ băn khoăn trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải cân nhắc, xem xét việc giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí cho chính quyền cấp tỉnh đối với những vẫn đề chung, địa bàn đặc thù. Dẫn chứng một ví dụ về địa bàn đặc thù, đại biểu đề cập đến vấn đề cải tạo, sửa chữa Phố cổ. Theo đại biểu, hiện nay nhiều khu nhà Phố cổ xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn, song việc sửa chữa lại chưa được cho phép. Do đó, một trong những nhiệm vụ của Luật này là phải bảo tồn kiến thứ truyền thống nhưng cũng phải tạo điều kiện để tôn tạo, tu sửa những công trình đã xuống cấp.
Giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu rõ, tại Phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến xác đáng, góp ý cụ thể đến từng Điểm, Khoản, Điều. Bộ trưởng cho biết, Dự thảo Luật được thực hiện theo trình tự 2 kỳ họp, sau kỳ họp này, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Kết luận nôi dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật, sau đó gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7./.