ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

14/11/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng 14/11, thảo luận tại hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018, ghi nhận công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến, các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị hoàn thiện thể chế, pháp luật, đề cao trách nhiệm cán bộ, người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở còn hạn chế

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với các báo của của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra về công tác khiếu nại, tố cáo năm 2018; cho rằng, năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đạt tỷ lệ khá cao: Trung ương đạt 86,9%; địa phương đạt 83,2%; nhiều vụ việc phức tạp kéo dài đã được giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị-xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của kinh tế-xã hội năm 2018.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An - cho biết, trên thực tế cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp, tồn đọng nhiều vụ việc đông người, phức tạp kéo dài chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Gần đây, có tình trạng công dân tập trung dài ngày ở các cơ quan trung ương và đến khu vực nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để khiếu kiện, gây áp lực yêu cầu giải quyết, chăng khẩu hiệu, biểu ngữ trên đường phố gây mất trật tự công cộng. Có hành vi chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật.

Đại biểu nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ có đến 72 vụ việc đông người đến trụ sở tiếp công dân của trung ương để khiếu nại, tố cáo. Trong đó, nội dung chủ yếu là các vụ việc liên quan đến đất đai. Tỷ lệ giải quyết đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn rất thấp, mới chỉ đạt 39,8%. Việc trả lời thông báo tiến độ giải quyết đơn của công dân do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến đạt tỷ lệ thấp.

Kết quả việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các kỳ báo cáo trước đối với số vụ việc cụ thể còn chậm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm. Có tình trạng giải quyết kéo dài, quá thời hạn quy định, giải quyết chưa đúng trình tự, thủ tục, chính sách pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Chất lượng giải quyết một số vụ việc chưa cao. Kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ có đến 56 trường hợp được minh oan và trả lại quyền lợi.

Đại biểu Trần Văn Mão phản ánh tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến phức tạp

Đại biểu cho biết thêm, qua thực tế giám sát cho thấy, năng lực trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, bất cập. Nhất là cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cá biệt có trường hợp vi phạm pháp luật phải khởi tố hình sự. Vấn đề tổ chức tiếp công dân nhiều nơi còn đang thể hiện hình thức, chưa thực chất, giao nhiệm vụ nhiều lần mà vẫn không được giải quyết, thực hiện không nghiêm túc quyết định giao việc của cấp trên.

Có cùng phản ánh, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - cho biết, ở cơ sở, một số chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc, thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Thực tiễn cho thấy, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo mà được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình, có lý ngay từ đầu tại cơ sở thì người dân đồng tình, chấp thuận, ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp.

Theo đại biểu Tô Văn Tám cần hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai, người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Khi đó, đối thoại sẽ mang lại cho người dân thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất.

Đại biểu Tô Văn Tám cho biết một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh, đối thoại phải được tôn trọng thực hiện nghiêm túc và cầu thị, coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu, không phải làm theo kiểu chiếu lệ cho xong chuyện. Mặt khác, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân có uy tín và cá nhân am hiểu pháp luật như luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên v.v... là rất quan trọng. Các cá nhân này sẽ tư vấn cho người khiếu nại tố cáo về mọi mặt, sẽ góp phần quan trọng cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi vậy, cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho sự tham gia này để đảm bảo cho sự tư vấn đúng chính sách pháp luật, loại trừ hành vi lợi dụng tư vấn để xúi giục, kích động khiếu nại, tố cáo.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giải quyết khiếu nại tố cáo

Đề xuất làm rõ thêm một số giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước  - cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chủ động điều hành của các cấp chính quyền, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của đoàn đại biểu Quốc hội, các địa phương. Trong đó cũng phải hoàn thiện cũng như tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Giải pháp thứ hai là cần tăng cường tiếp công dân, gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với công dân. Đặc biệt, các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, gay gắt, để chính quyền các cấp có quyết định, kết luận rõ ràng, đúng sai, thỏa đáng. Theo đó, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ giải thích rõ cho công dân. Nếu công dân đúng, ở góc độ người giải quyết và cơ quan nhà nước có những khiếm khuyết trong giải quyết các vấn đề cụ thể cho công dân cũng cần làm rõ và có hướng khắc phục sớm những bức xúc của công dân, để rõ đúng, sai khách quan trong từng vụ việc giải quyết. Đối với công dân, nếu khiếu nại, tố cáo sai thì cũng giải thích rõ cho công dân hiểu vấn đề và để chấm dứt khiếu nại, tố cáo nếu không sẽ dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp.

Giải pháp thứ ba là cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt tập trung vào việc sửa đổi Luật Đất đai, lĩnh vực đầu tư, xây dựng nhà ở, cần thực hiện nghiêm các chế tài, xử lý đối với người lợi dụng khiếu nại, tố cáo, xúi giục công dân tập trung đông người, gây áp lực đối với chính quyền địa phương, đòi yêu sách.

Giải pháp thứ tư, vấn đề điểm dừng trong khiếu nại, tố cáo. Luật Tố cáo vừa ban hành đầu năm 2018 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2019 đã có quy định cần phải quyết liệt trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu không sẽ rất khó và chúng ta phải có điểm dừng trong xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo

Giải pháp cuối cùng, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nêu rõ, Quốc hội, Ban Dân nguyện nên tiếp tục tham mưu để có phần mềm về quản lý giải quyết khiếu nại, tố cáo liên thông từ Trung ương đến cấp tỉnh các địa phương để từng vụ việc khi đại biểu Quốc hội hoặc đoàn đại biểu Quốc hội tra cứu trên hệ thống và khai thác cơ sở dữ liệu của quốc gia thì nắm được tình hình các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo đến mức độ nào và cơ quan nào đang phụ trách thì sẽ tránh được sự chồng chéo trong việc chúng ta chuyển đơn, giải quyết hoặc thiếu thông tin.

Tán thành với đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, đại biểu Nguyễn Bắc Việt – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, đề xuất việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng nên có hình thức như án lệ để các địa phương có kinh nghiệm rút ra trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết việc triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã triển khai và hiện nay đã vận hành. Tuy nhiên, hướng dẫn bắt buộc đối với một số tổ chức, cơ quan, đơn vị ở địa phương và bộ, ngành chưa có ràng buộc, do đó số liệu chưa được vận hành.

Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ, sẽ cố gắng triển khai để cơ sở dữ liệu này phát huy được hiệu quả, góp phần giải quyết những vấn đề xử lý đơn thư khiếu nại lòng vòng; đồng thời tiến hành thanh tra việc thực hiện chấp hành pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn với kế hoạch thanh tra trong năm 2019.

Bảo Yến