HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI ĐẠI HỌC TƯ THỤC

25/07/2018

Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với đại học tư thục. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Tất Thắng chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Tọa đàm có sự tham dự của các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Ủy ban Pháp luật, các đại biểu đại diện Ban soạn thảo, Văn phòng Chính phủ cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học từ các trường, Viện nghiên cứu và các Hiệp hội nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục đại học đại học.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho biết, những năm gần đây,  các trường đại học tư thục có sự tăng nhanh về số lượng và có những đóng góp nhất định cho giáo dục đại học nước nhà. Tuy nhiên, qua khảo sát, hoạt động của các cơ sở đại học ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng phát biểu

Với vai trò là Ủy ban phụ trách lĩnh vực giáo dục, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng mong muốn, các đại biểu, chuyên gia sẽ có nhiều ý kiến đóng góp về các quy định liên quan đến đại học tư thục, nhằm tháo gỡ những nút thắt khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho đại học tư thục ở nước ta phát triển, tạo điều kiện cạnh tranh, phát triển bình đẳng với các trường đại học công lập.

Khẳng định sự cần thiết nâng cao vai trò của đại học tư thục trong nền giáo dục đại học nước nhà, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc mở rộng các trường đại học tư thục không chỉ giảm áp lực về chi ngân sách của Nhà nước, mà còn góp phần đa dạng hoá hệ thống giáo dục, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá như hiện nay, các trường đại học trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn với các trường trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, khi tiến bộ công nghệ diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh sẽ rất khó khăn trong việc dự báo tương lai của giáo dục-đào tạo, thì với bản chất linh hoạt của mình, đại học tư thục sẽ có nhiều ưu điểm nổi trội trong quá trình phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, thực tế hiện nay, các trường đại học tư thục cũng bộc lộ một số khiếm khuyết như: chất lượng chưa cao, quy mô nhỏ, thu nhập dựa vào học phí, coi trọng lợi nhuận, chưa tập trung cho nghiên cứu khoa học... Có những trường không có chiến lược phát triển lâu dài, không kịp chuyển mình nên đã dần giảm sút về chất lượng đào tạo.

Để phát triển các trường đại học tư thục một cách vững chắc, các chuyên gia cho rằng, trong quy định pháp luật cần làm rõ tính chất các trường này về mặt sở hữu và từ đó có chính sách phù hợp. Trong các trường đại học tư thục cần phân biệt 2 loại: trường tư phi lợi nhuận hay chính xác là trường tư phi vụ lợi và các trường tư khác và có chính sách thích hợp cho từng loại hình trường. Trong đó, cần có chính sách cụ thể, ưu đãi tạo điều kiện phát triển cho loại hình trường tư phi vụ lợi vì các trường này dần sẽ thành tài sản xã hội.

Các đại biểu tại tọa đàm

Đối với loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận), cần hạn chế tối đa việc vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường đại học tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư vì thường dẫn đến nhiều tiêu cực. Theo ý kiến một số chuyên gia, tốt hơn nên chuyển qua mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 2 thành viên trở lên. Đặc biệt, cần có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm để tránh hành vi thao túng trường của các nhóm lợi ích.

Còn với loại hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, có ý kiến đại biểu đề nghị, để ghi nhận công lao xây dựng trường của các thành viên góp vốn, ngoài việc được nhà trường và cộng đồng xã hội vinh danh, họ nên được hưởng các quyền lợi như: được cử vào đại diện vào Hội đồng quản trị, được ứng cử vào các chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý, được định đoạt phần góp vốn của mình… Như vậy, vốn huy động cho trường đại học tư thục không vì lợi nhuận sẽ không tập trung vào một vài cổ đông chiến lược mà sẽ mở ra cho mọi thành viên của cộng đồng.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Về nội dung liên quan đến Hội đồng quản trị, các đại biểu cho rằng, dù là đại học công lập hay tư thục cũng nên gọi một cách nhất quán hội đồng này là Hội đồng quản trị tổ hợp đại học, Hội đồng quản trị học viện, Hội đồng quản trị trường… dù cách tổ chức và thành phần có thể khác nhau, nhưng vị trí đều giống nhau, đều là cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở giáo dục đại học.

Tại tọa đàm, các nội dung về việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang loại hình tư thục; việc mở rộng quy mô hệ thống các trường đại học tư thục;  chính sách của nhà nước để phát triển đại học tư thục… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận./.

Thu Phương