CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA III

25/07/2018

Hướng tới kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm, làm việc với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ về công tác bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B đang bảo quản tại Trung tâm.

Cùng đi có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cùng lãnh đạo một số Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Kho bảo quản hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Khối tài liệu hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B nằm trong Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ (tiền thân là Ban Quan hệ Bắc - Nam được thành lập năm 1955, năm 1960 đổi tên thành Ủy ban Thống nhất, từ năm 1974 có tên là Ủy ban Thống nhất Chính phủ). Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể, toàn bộ tài liệu lưu trữ của Ủy ban do Ban Tổ chức Trung ương quản lý. Tháng 8 năm 1981, Ban Tổ chức Trung ương đã giao toàn bộ hồ sơ tài liệu của Ủy ban Thống nhất Chính phủ cho cơ quan lưu trữ nhà nước quản lý.

Tài liệu phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ bao gồm 02 khối chính: tài liệu hành chính và khối hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B. Đây là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn chứa đựng những hồ sơ, kỉ vật thiêng liêng của các cá nhân đi B.

Cán bộ đi B (từ năm 1959 - 1975) gồm có 02 đối tượng: Một là những cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, sau đó họ tham gia lao động sản xuất trên miền Bắc và được bí mật trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của Cách mạng; Hai là một số cán bộ dân sự người miền Bắc đi B. Cán bộ đi B chủ yếu là y sĩ, bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sĩ, nhà báo… Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại đồ dùng, vật dụng, giấy tờ… (gọi là hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ; họ chỉ được mang theo những đồ dùng cá nhân do Ủy ban cấp.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng báo cáo một số kết quả về
công tác bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang lưu giữ khoảng 72.000 hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B, trong đó có 56.963 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 địa phương trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945 - 1975). Hồ sơ gồm các loại giấy tờ: Giấy khai sinh, Chứng minh thư nhân dân, Sơ yếu lý lịch, Chứng chỉ và bằng cấp chứng nhận trình độ học tập, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển, Đơn tình nguyện đi B, Bằng khen, Giấy khen, thư từ cá nhân... Kỷ vật gồm có: Huy hiệu, Phiếu tiết kiệm, Công trái, tiền vàng…

Theo Báo cáo của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, trong suốt thời gian qua, khối tài liệu hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B đã thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. Năm 2007, Cục đã trao Danh mục hồ sơ, kỉ vật cán bộ đi B cho các tỉnh, thành phố bằng một số hình thức như: mời đại diện các địa phương đến Trung tâm để nhận; Trung tâm cử người đến các các tỉnh, thành phố trao tặng; Trung tâm chuyển danh mục qua đường bưu điện đến một số tỉnh, thành phố, đồng thời đưa danh mục này lên Trang thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho việc tra cứu qua mạng Internet.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc

Từ năm 2009 đến năm 2016, Cục đã tiến hành chuyển giao dữ liệu và bản sao hồ sơ của cán bộ đi B gửi về Chi cục Văn thư - Lưu trữ các tỉnh trong cả nước, đồng thời có bộ phận chuyên tiếp nhận và phục vụ mọi nhu cầu về thông tin hồ sơ của cán bộ đi B tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiến hành trưng bày hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B ở các tỉnh, thành phố, như: năm 2006 - 2007 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 2008 tại tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Quảng Nam, năm 2018 tại Thành cổ Quảng Trị…

Tới thăm và làm việc với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao đội ngũ những người làm công tác lưu trữ nói chung và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng đã luôn nỗ lực sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý của quốc gia, dân tộc, trong đó có những tài liệu, kỷ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao quà tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ

Ghi nhận những khó khăn cũng như những đề xuất, kiến nghị của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định sẽ chỉ đạo, đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm hơn nữa công tác văn thư, lưu trữ; phối hợp chặt chẽ với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III để sưu tập, bảo quản, lưu trữ những tài liệu, kỷ vật quý...

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương để tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công bố giới thiệu về khối hồ sơ của cán bộ đi B trên các phương tiện thông tin để các gia đình, cá nhân cán bộ đi B tiếp nhận được hồ sơ, kỉ vật trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã Ghi sổ lưu niệm và trao quà tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ./.

Quang Minh - Trọng Quỳnh