THẢO LUẬN TỔ 06 KỲ HỌP 5 QUỐC HỘI KHÓA XIV: XEM XÉT SỰ CẦN THIẾT MỞ RỘNG PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

31/05/2018

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 31/5, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 06 gồm đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Thái Bình, Bình Định, các đại biểu cho rằng cần xem xét lại quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước...

Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng, Bình Định, Thái Bình thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 đã được chỉnh lý theo hướng quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.

Dự thảo luật mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Đại biểu Nguyễn Phi Long phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Về vấn đề này, phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Đỗ Văn Bình – Tp.Hải Phòng, và đại biểu Bùi Quốc Phòng – Thái Bình, đều bày tỏ tán thành với đề xuất của Chính phủ cũng như thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ở một số đối tượng là phù hợp và cần thiết, góp phần thúc đẩy hiệu quả phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Phi Long – Bình Đình, đề xuất, nếu mở rộng đối tượng điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước thì cần cân nhắc quy định thanh tra về công tác phòng chống tham nhũng đối với những đối tượng này bởi việc quy định mở rộng thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với doanh nghiệp có thể bị lạm dụng, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Điều này đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi trọng, tập trung phát triển kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thuận – Tp.Hải Phòng cho rằng, đối tượng điều chỉnh của luật trước hết phải là cán bộ công chức của cơ quan nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực công, trong hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhà nước. Đối với khu vực tư khi phát hiện ra có liên quan đến tham nhũng thì xem xét là người liên đới chịu trách nhiệm chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Bộ luật hình sự, pháp luật về thuế,… chứ không chịu sự điều chỉnh của luật này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thuận phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng nếu mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh như trong dự thảo thì khó cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng không mở rộng lại không làm yên lòng dân khi mà “sân sau” của các quan chức rất nhiều. Tuy nhiên, nếu quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh thì sẽ mâu thuẫn ngay trong chính dự thảo. Dự thảo luật quy định về đối tượng mới nhưng lại không quy định cơ quan quản lý đối tượng này. Đại biểu đặt câu hỏi, mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước thì ai quản lý và những đối tượng này có phải kê khai tài sản không. Vì vậy cần cần nhắc việc mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh bảo đảm chặt chẽ trong các quy định của luật.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thuận cũng lưu ý, tập trung đối tượng điều chỉnh chính xác nhiều khi hiệu quả hơn mở rộng tràn lan. Thực tế tham nhũng tập trung ở những người có chức, có quyền hơn là những đối tượng khác và phải có thêm nhiều điều khoản quy định giám sát thường xuyên liên tục đối với những đối tượng này.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền cho biết không nhất thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh của luật ra ngoài khu vực nhà nước mới xử lý được các đối tượng này. Bởi pháp luật hiện nay có đủ cơ sở, đủ chế tài xử lý trong các luật như luật thuế, luật dân sự…Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền trao đổi về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) 

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc – Thái Bình bày tỏ băn khoăn, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng trong khu vực nhà nước đặc biệt là công tác quản lý, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập thì khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật liệu có thể thực hiện được không?

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng cho hay, theo kinh nghiệm các nước thì vai trò của tổ chức, các hiệp hội nghề nghiệp, nghiệp đoàn trong công tác phòng chống tham nhũng là rất tốt. Trong trường hợp doanh nghiệp nào hối lộ, chạy dự án… thì chính các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ tố giác và tẩy chay. Vì vậy dự thảo cần nhấn mạnh vai trò phối hợp của các tổ chức trong phòng chống tham nhũng. Hơn nữa thực tế hoạt động của các hội có huy động các khoản đóng góp của hội viên hoặc đối tượng khác là không nhiều nên cần cần nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật.

Bảo Yến - Nhóm ảnh