Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 1/6
Bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật, các đại biểu Quốc hội cho rằng Dự thảo Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ, đã bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.Nội dung dự thảo Luật đã phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và tương thích với các điều ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đưa ra quan điểm về nội dung cụ thể.
Về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, Khoản 1, Điều 4 quy định nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quốc phòng, an ninh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
ĐBQH Nguyễn Thị Phúc tỉnh Bình Thuận phát biểu
Cho ý kiến vào nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc tỉnh Bình Thuận nhất trí cao với việc dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; tuy nhiên đại biểu Trần Văn Tiến tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị vẫn tiếp tục cần bổ sung thêm nguyên tắc xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đối với vấn đề này.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ, Dự thảo Luật quy định các hành vi cấm sau: Giả mạo, làm sai lệch số liệu, kết quả đo đạc và bản đồ; Phá hủy, làm hư hỏng công trình hạ tầng đo đạc; vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; Hoạt động đo đạc và bản đồ khi không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; Xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia; Cản trở tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp; Lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Phát tán, làm lộ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ thuộc danh mục bí mật nhà nước.
ĐBQH Trương Thị Yến Linh bày tỏ quan điểm
Tán thành với những nội dung trên của dự thảo, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh đề nghị bổ sung thêm một điều cấm đó là cấm thuê, cho thuê, mượn cho mượn chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ để sử dụng với mục đích nhằm tăng thu nhập cá nhân.
Về thành lập bản đồ hành chính, dự thảo Luật quy định Bản đồ hành chính bao gồm: Bản đồ hành chính Việt Nam;Bản đồ hành chính cấp tỉnh; Bản đồ hành chính cấp huyện. Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, điều luật cần bổ sung thêm nội dung Bản đồ hành chính cấp xã. Theo các đại biểu phân tích, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý không làm rõ việc không quy định Bản đồ hành chính cấp xã trong danh mục bản đồ hành chính, trong khi cấp xã cũng là một cấp hành chính, vậy tại sao lại không có bản đồ./.