Thông cáo Báo chí số 8: Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực ngày 20/01/1018

20/01/2018

Tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Hội nghị APPF26, sáng ngày 20/1/2018, Phiên họp toàn thể lần thứ 3 về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực đã diễn ra với 03 chủ đề: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu; Các nguồn lực cho phát triển bền vững; Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.

Tham dự phiên họp có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nghị viện các nước, Trưởng đoàn đại biểu nghị viện các nước cùng toàn thể các nghị sĩ tham dự Hội nghị APPF-26 . Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, chủ đề của phiên họp luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và cũng là chủ đề nghị sự của nhiều diễn đàn nghị viện, Chính phủ trong khu vực và thế giới. Phó Chủ tịch mong muốn, với vị trí là một diễn đàn nghị viện khu vực, APPF-26 sẽ đề xuất những sáng kiến, sự hiểu biết chung về chính sách, các biện pháp hợp tác thích hợp, hướng tới giải quyết hiệu quả các vấn đề này.

Phát biểu đề dẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Vũ Đức Đam cho rằng, rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết, thiên tai, thảm họa với phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng; nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu không chỉ từ công nghiệp, mà còn từ nông nghiệp và sinh hoạt. Do đó, những nỗ lực nhằm hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu; đồng thời cũng là quyền lợi và trách nhiệm của mọi quốc gia, nền kinh tế. Mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các Điều ước quốc tế, Công ước, các Nghị định thư và Thoả thuận về biến đổi khí hậu.

          Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận tích cực, sôi nổi, chia sẻ ý kiến và đưa ra những nhận định, giải pháp quan trọng. Cụ thể:

Thảo luận về chủ đề “Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu, các ý kiến đều nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa cấp bách và ngày càng phổ biến đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Biến đổi khí hậu đe dọa xóa đi những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực trong nhiều năm qua, là thách thức đối với các mục tiêu phát triển bền vững, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe người dân, gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội. Trong bối cảnh đó, các đại biểu đều nhất trí, các quốc gia cần quan tâm nhiều hơn nữa và tăng cường hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị viện các nước thành viên APPF cũng như IPU cần tăng cường xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và đôn đốc các Chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với các chương trình, kế hoạch, chính sách đầu tư phát triển quốc gia; tích cực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp và giám sát, biến lời nói thành hành động để thực thi có hiệu quả các nghị quyết đã được APPF thông qua nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Thảo luận về chủ đề “Các nguồn lực cho phát triển bền vững”, các đại biểu  đều cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đang phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, việc Hội nghị APPF xem xét, thảo luận về các nguồn lực cho phát triển bền vững là cần thiết không chỉ với từng quốc gia mà còn đối với khu vực và thế giới. Các đại biểu đã thể hiện quyết tâm của các quốc gia hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó mỗi quốc gia cần chung tay, chia sẻ hợp tác và phối hợp với cộng đồng quốc tế. Các nước đang phát triển cần sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển không chỉ về tài chính, mà còn về tri thức, kinh nghiệm. Về phần mình, các quốc gia đang phát triển cũng cần thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao bình đẳng giới...Ngoài ra, các đại biểu đều cho rằng, Nghị viện các nước thành viên APPF cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; ưu tiên nguồn lực cho SDG; thúc đẩy hơn nữa đối thoại và hợp tác giữa các Nghị viện, Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi Chính phủ; tăng cường hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế, huy động các nguồn tài trợ cho phát triển bền vững để thu hẹp sự chênh lệch giữa các quốc gia.

  Thảo luận về chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực”, các đại biểu đều nhất trí, việc đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực cũng như ở mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Giao lưu văn hóa và du lịch giúp củng cố sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc và xã hội, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực khác, tuy nhiên cũng tiềm ẩn những nguy cơ như việc các di sản và môi trường tự nhiên ở khu vực bị phá hoại; những yếu tố văn hoá tiêu cực, bạo lực, gây chia rẽ đoàn kết... Do đó, việc bảo tồn, phát triển văn hóa không phải là vấn đề của riêng một cộng đồng, quốc gia nào mà là nhiệm vụ chung của toàn nhân loại.

Các ý kiến đại biểu đều nhấn mạnh, nghị viện các nước thành viên APPF có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy các chương trình hợp tác song phương, khu vực và quốc tế về văn hóa, phát triển du lịch bền vững. Do đó, Chính phủ các nước cần đưa ra các chính sách thúc đẩy các chương trình đào tạo và phát triển ngành du lịch gắn với các tiêu chuẩn công nghiệp tốt nhất. Bên cạnh đó, nghị viện các nước thành viên APPF cần thực hiện các biện pháp lập pháp nhằm bảo vệ và phát huy bản sắc của các nhóm dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, giữ gìn bản sắc văn hóa của các quốc gia; tăng cường đối thoại giao lưu, trao đổi đoàn, qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước trong khu vực./.