Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

10/11/2017

Sáng 10/11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)   Ảnh: Đình Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) tại Hội trường. Theo đó, Luật Qquốc phòng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006. Sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung về hoạt động quốc phòng còn đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý không cao hoặc chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 46 điều (giảm 02 chương, 05 điều so với Luật quốc phòng năm 2005), quy định về: hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Về quan điểm sửa đổi Luật, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất quan điểm sửa đổi Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản, những nguyên tắc chung về quốc phòng, còn những nội dung đã được các luật về lĩnh vực quốc phòng điều chỉnh hoặc dự kiến sẽ nâng thành luật thì không quy định quá cụ thể để tránh chồng chéo. Tuy nhiên đề nghị cần bám sát quan điểm sửa đổi Luật và nghiên cứu những nội dung có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng để bảo đảm tính khả thi, bao quát của dự án Luật.

Về chính sách của Nhà nước về quốc phòng (Điều 4), một số ý kiến đề nghị sửa lại khoản 3 là: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại theo chủ trương giải quyết mọi bất đồng tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng…. của nhau”. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế" tại khoản 3 cho phù hợp với chủ trương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữ vững môi trường hòa bình và ngăn ngừa chiến tranh.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí như dự thảo Luật, đồng thời đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên rà soát cho phù hợp với xu thế thời đại, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng (Điều 16), một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm thẩm định của cơ quan quân sự, công an các cấp đối với từng loại dự án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc và bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa lại tên Điều là “Mối quan hệ giữa củng cố quốc phòng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”; ý kiến chỉ ra rằng, Điều này chỉ nên quy định nguyên tắc kết hợp, còn nội dung cụ thể cần xây dựng thành luật cho đầy đủ.

Về vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc cơ bản của sự kết hợp để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

Về công tác quốc phòng ở các bộ, ngành trung ương và địa phương (Điều 17), một số ý kiến đề nghị xác định rõ vị trí, trách nhiệm của bộ ngành trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng; không quy định tổ chức, bộ máy, biên chế trong Luật này, đồng thời cần rà soát các nội dung mà luật khác đã quy định.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần nghiên cứu các ý kiến trên, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về công tác quốc phòng nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua và cân nhắc không nên quy định tổ chức, biên chế trong dự thảo Luật cho phù hợp với chủ trương cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

+ Theo chương trình, dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ vào sáng ngày 14/11 và thảo luận tại Hội trường vào sáng ngày 24/11.

Vân Ngọc