Hội đồng Dân tộc khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 5

20/10/2017

Sáng 20/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Hội đồng Dân tộc đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 5.

Hội đồng dân tộc họp phiên toàn thể lần thứ 5

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5, diễn ra trong 2 ngày 20-21/10, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo hoạt động từ Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4 và dự kiến hoạt động năm 2018 của Hội đồng Dân tộc; cho ý kiến Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016; phối hợp thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); cho ý kiến dự kiến Chương trình giám sát của Hội đồng dân tộc năm 2018.

Theo Báo cáo hoạt động từ Kỳ họp thứ 3 đến Kỳ họp thứ 4 và dự kiến hoạt động năm 2018 của Hội đồng Dân tộc cho thấy, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các thành viên của Hội đồng Dân tộc đã cố gắng, nỗ lực hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra, bảo đảm các hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng theo chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng Dân tộc.

Công tác xây dựng pháp luật có những đổi mới, cải tiến về hình thức tổ chức, nghiên cứu, tham gia ý kiến, phối hợp thẩm tra các dự án Luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết. Bằng việc tham gia tích cực ngay từ khâu đánh giá, thẩm tra sơ bộ tại các Ủy ban của Quốc hội; các hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành, ban soạn thảo lấy ý kiến hoàn thiện các dự án Luật, pháp lệnh; nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến tham gia tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội… Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tham gia, tổng hợp, kiến nghị, hoàn chỉnh, bổ sung vào các dự thảo Luật nhiều ý kiến, nội dung cụ thể, sâu sắc, liên quan trực tiếp đến vùng miền núi, khu vực, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các thành viên Hội đồng Dân tộc đánh giá cao hoạt động giám sát, khảo sát và tổ chức phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc. Điển hình là Hội đồng Dân tộc đã tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, thôn, hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006- 2016; tiến hành khảo sát tình hình khiếu nại, tố cáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 tỉnh Đăk Lăk và Quảng Ngãi. Đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện Nghị quyết 112 của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường tại tỉnh Lâm Đồng và Yên Bái.

Các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng nhất trí, năm 2018, Hội đồng Dân tộc sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo đối với dân tộc thiểu số; tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; việc thực hiện cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Khảo sát việc thực hiện chính sách tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện và ổn định di cư tự phát khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chính sách đối với người hồi hương từ Campuchia về Việt Nam.

Theo Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006- 2016, chính sách giao đất, giao rừng nói chung và giao đất, giao rừng cho công đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc thiểu số nói riêng quản lý, bảo vệ là một chủ trương đúng đắn, khoa học và hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta; phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống canh tác, sản xuất từ bao đời gắn với rừng của đồng bào. Sau khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2014 được thông qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã sớm ban hành các văn bản triển khai thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân, vì vậy một số địa phương đã triển khai kịp thời và tích cực, nhiều nơi có hiệu quả tốt.

Sau khi được giao đất, giao rừng, đồng bào đã yên tâm đầu tư lâu dài trên diện tích được giao, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt. Hầu hết các hộ gia đình đã tổ chức sản xuất, chủ yếu là trồng cây Keo, cây Quế, cây Xoan… hiện nay, thu nhập bình quân từ trồng keo là 80 triệu/ha, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ nghề rừng. Sau 10 năm, hầu hết ở các tỉnh diện tích trồng rừng mới, rừng tự nhiên tái sinh, tỷ lệ độ che phủ của rừng không ngừng tăng lên: năm 1990 tỷ lệ che phủ là 27,8%, đến năm 2010 là 39,5% và đạt trên 41,2% năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006- 2016 vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Công tác giao đất, giao rừng còn tập trung chủ yếu là giao đất lâm nghiệp, diện tích rừng được giao còn thấp, một số tỉnh chưa mạnh dạn giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ, đặc biệt diện tích giao cho hộ gia đình dân tộc thiểu số quản lý còn rất thấp, chỉ khoảng 0,65% trong tổng diện tích rừng. Diện tích rừng giao cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là rừng nghèo kiệt, manh mún, nhiều nơi chủ yếu là núi đá, khó tổ chức sản xuất, chưa khuyến khích được đồng bào nhận rừng. Các chế độ, chính sách hưởng lợi chưa thực sự khuyến khích đồng bào trong quản lý, bảo vệ rừng…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Luật bảo vệ và Phát triển rừng nói chung và công tác giao đất, giao rừng nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Các đại biểu cho rằng, trong đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng với các Bộ ngành, chưa có đề xuất về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng sao cho phù hợp. Các đại biểu đề nghị phải có 1 mục riêng trong Báo cáo đánh giá về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, cần nêu rõ tồn tại, hạn chế từ đó có những đánh giá phù hợp. Về kết quả giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số, báo cáo mới chỉ đơn thuần đưa ra số liệu, qua các con số cần phải có nhận xét, đánh giá.

Về quá trình triển khai thực hiện chính sách, còn một số địa phương không thực hiện chính sách mới, còn nhiều tỉnh không xây dựng kế hoạch giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số. Các đại biểu đề nghị Báo cáo phải có nhận xét đánh giá tồn tại, nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm tổ chức triển khai, nhận thức của các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện.

+ Ngày 21/10, Hội đồng Dân tộc sẽ đi khảo sát thực tế tại làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Vân Ngọc