Hội thảo về Dự án Luật đường sắt (sửa đổi)

13/08/2016

Sáng 13/8, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ chủ trì thẩm tra Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào phiên họp tháng 9/2016 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo về dự án Luật này. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, việc xây dựng dự án Luật đường sắt (sửa đổi) lần này nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao thông nói chung và pháp Luật đường sắt nói riêng theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 17 dự án Luật, Pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật đường sắt 2005. Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật đường sắt 2005. Việc xây dựng dự án Luật đường sắt (sửa đổi) phải đáp ứng được yêu cầu cơ bản sau: phù hợp với Hiến pháp 2013, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển giao thông vận tải đường sắt; phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt mà Việt Nam là thành viên.

Sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật đường sắt năm 2005 về chính sách ưu đãi trong hoạt động đường sắt, giá, phí thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư, quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt,… để tăng tính thương mại của các dự án kinh doanh đường sắt, nhằm thu hút tốt hơn các nguồn lực xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư cho đường sắt.

Hội thảo này nhằm mục đích cung cấp những thông tin hữu ích, đa chiều cho các đại biểu Quốc hội và Bộ Giao thông- Vận tải trong việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Luật đường sắt 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006. Đến nay, qua thực tế thi hành, Luật đã bộc lộ một số tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt. Bộ Giao thông vận tải đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật đường sắt sửa đổi để xây dựng dự án Luật này gồm 9 chương, 95 điều. Trong đó, giữ nguyên 7/114 điều; sửa đổi, bổ sung 62/114 điều; bãi bỏ 45/114 điều và bổ sung mới 26 điều.

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc sửa đổi bổ sung Luật đường sắt để phù hợp hơn với thực tiễn giao thông đường sắt hiện nay. Các đại biểu cũng đã thảo luận với những ý kiến sâu sắc, cung cấp những thông tin hữu ích cho các đại biểu Quốc hội và Bộ Giao thông Vận tải- cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật trong việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ ý kiến khác nhau về thực trạng phát triển đường sắt Việt Nam: Kết cấu hạ tầng, vận tải đường sắt và công nghiệp đường sắt; việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.

Hầu hết các đại biểu cho rằng, hệ thống giao thông vận tải của Việt Nam hiện nay chưa an toàn, chưa đồng bộ nên mang lại hiệu quả vận tải thấp; đề nghị cần xây dựng một hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, trong đó có cả đường sắt, để tạo ra sản lượng giao thông vận tải cao hơn, góp phần tăng trưởng GDP của đất nước. Các đại biểu cũng cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đường sắt.

Nhiều đại biểu nêu ý kiến về đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; vấn đề quản lý kinh doanh kết cấu hạ tầng sắt, về quy định liên quan đến kinh phí thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu do Nhà nước đầu tư; vấn đề quy định giá và hỗ trợ giá trong kinh doanh đường sắt; quản lý đất dành cho đường sắt và các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, qua Hội thảo này, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tiếp thu ngay những vấn đề đã rõ và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật và tiếp tục khẩn trương bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật đường sắt (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10/2016.

Tin và ảnh: Đặng Mai