Theo báo cáo của VINAFOOD1, đến nay, Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản nhiều nội dung của Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty được Thủ tướng phê duyệt. Năm 2012, Tổng công ty quyết định tăng vốn điều lệ từ 3.068 tỷ đồng lên 3.965 tỷ đồng. Đến hết năm 2013, Tổng công ty đã hoàn thành việc bổ sung vốn sớm so với lộ trình. Toàn bộ vốn điều lệ tăng thêm được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế. Về tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng công ty đã hoàn thành việc thành lập và đưa vào hoạt động công ty TNHH Lương thực Phương Đông; hoàn thành việc chuyển đổi 2 chi nhánh thành đơn vị trực thuộc của công ty TNHH một thành viên Muối Việt Nam... Về việc thoái vốn ngoài ngành kinh doanh chính, theo Đề án, Tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn đầu tư tại 5 doanh nghiệp trước năm 2015. Đến hết năm 2013, Tổng công ty đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn góp tại 3 doanh nghiệp và đang thực hiện việc bán đấu giá 2 doanh nghiệp còn lại.
Theo Báo cáo của VINACHEM, vốn điều lệ của Tập đoàn đến năm 2015 là 16.000 tỷ đồng, tổng tài sản đến ngày 31.12.2013 là 53.749 tỷ đồng. Về tái cơ cấu đầu tư công, Tập đoàn đã rà soát, cắt, giảm, giãn tiến độ một số dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết. Các dự án bị cắt, giảm, giãn tiến độ không ảnh hưởng đến lượng hàng tồn kho, không làm tăng nợ xấu của Tập đoàn. Về công tác cổ phần hóa, đến trước năm 2013, Tập đoàn đã chủ động cổ phần hóa được 32/40 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tập đoàn. Giai đoạn 2012-2015, Tập đoàn đặt kế hoạch cổ phần hóa 6/8 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn lại. Đến nay, đã hoàn thành cổ phần hóa 1 công ty và dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. Về công tác thoái vốn, đến năm 2015, Tập đoàn phải thực hiện thoái hết vốn tại 13 doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, đã thực hiện thoái hết vốn tại 4 doanh nghiệp, tổng giá trị vốn đã thoái được là 263 tỷ đồng, tổng giá trị vốn đầu tư ban đầu là 247 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2015 Tập đoàn sẽ thoái xong toàn bộ vốn đối với 9 doanh nghiệp còn lại.
Từ năm 2012, thực hiện đề án tái cơ cấu, EVN đã tập trung thực hiện đầu tư các công trình phục vụ ngành, nghề kinh doanh chính là các công trình nguồn điện và lưới điện theo quy hoạch điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Giai đoạn 2011 - 2013, EVN không có dự án nào đầu tư dàn trải, không hiệu quả, lãng phí; không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản; đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, không thực hiện tiết giảm điện; bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân ở đồng bằng Bắc bộ, đáp ứng yêu cầu cấp nước phục vụ dân sinh, tưới tiêu nông nghiệp, đẩy mặn ở khu vực miền Trung và miền Nam. Về tình hình thực hiện thoái vốn ngoài ngành, tính đến thời điểm 30.6.2014, EVN còn vốn góp trực tiếp tại 14 công ty cổ phần với tổng số vốn cam kết góp là 2.470,65 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2015, EVN sẽ hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại 4 công ty cổ phần với tổng giá trị là 1.588 tỷ đồng.
Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu của Tập đoàn Hóa chất, EVN và Tổng công ty Lương thực miền Bắc trong việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Đoàn giám sát cũng đã yêu cầu Tập đoàn Hóa chất, EVN và Tổng công ty Lương thực miền Bắc cần làm rõ hơn và có báo cáo bổ sung phân tích cụ thể những vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt tập trung vào những khó khăn xuất phát từ đặc thù ngành. Từ đó đề xuất những kiến nghị đóng góp vào 3 dự án Luật quan trọng là dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo với Đoàn giám sát, UBND tỉnh Bình Định nêu rõ: để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 – 2015 và các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng phê duyệt, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu; đồng thời, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả nhất định... Trong giai đoạn 2011 – 2013, hàng năm tỉnh vẫn bảo đảm khoảng 1.700 tỷ đồng cho đầu tư công, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu kinh tế, y tế, giáo dục. Đối với hệ thống ngân hàng, so với trước khi thực hiện tái cơ cấu, các quỹ tín dụng từng bước nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm an toàn thanh khoản và tăng quy mô hoạt động theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho vay thành viên. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bình Định luôn quán triệt và thực hiện quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới công tác nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đến nay, số doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh giảm xuống chỉ còn 12 doanh nghiệp...
Đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng của Bình Định. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, tiến độ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Bình Định còn tương đối chậm; đề nghị, Bình Định có những giải pháp mang tính đột phá hơn, trong đó, tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng nhằm bảo đảm yêu cầu đề ra trong Nghị quyết của QH và các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đoàn giám sát của UBTVQH cũng đã khảo sát thực tế và làm việc với Công ty Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Định.