Tại Trà Vinh, báo cáo với Đoàn giám sát, UBND tỉnh cho biết, theo kịch bản được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2011, khi mực nước biển tăng lên 1m vào năm 2100 thì có đến gần 46% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Trà Vinh sẽ bị ngập chìm. Thời gian gần đây, tại một số khu vực ven biển trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, rừng phòng hộ bị tàn phá với diện tích lớn; hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng diễn ra mạnh... gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đời sống của nhân dân. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trà Vinh cũng đã có kế hoạch nhằm huy động nhiều nguồn lực để triển khai các dự án nghiên cứu và đề xuất các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là dự án về tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Trong giai đoạn 2011 – 2012, Trà Vinh đã tổ chức thực hiện một số dự án như: Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn; Chương trình truyền thông môi trường và biến đổi khí hậu năm 2013; triển khai dự án Đầu tư, xây dựng và phát triển bền vững rừng phòng hộ giai đoạn 2014 – 2015...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng đoàn giám sát Phan Xuân Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của Trà Vinh trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế và nghe báo cáo cho thấy, ứng phó với biến đổi khí hậu của Trà Vinh mới chú trọng đến công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai mà chưa có chính sách phù hợp để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác đánh giá và dự báo còn chưa sát với thực tế, gây khó khăn cho triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đoàn giám sát đề nghị, Trà Vinh cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn một cách cụ thể hơn, từ đó đưa ra những dự báo, kế hoạch, chiến lược mang tầm nhìn dài hạn để công tác ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao nhất. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, Trà Vinh cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư mạnh hơn vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, tại Trà Vinh, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế một số điểm sạt lở nghiêm trọng và công trình đê chắn sóng tại 2 xã Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa của huyện Duyên Hải.
+ Tại Bạc Liêu, theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, Bạc Liêu đã kịp thời xây dựng chương trình hành động cụ thể và triển khai một cách đồng bộ, toàn diện. Phê duyệt Khung Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; đề ra các nhóm giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nhóm giải pháp công nghệ với 101 dự án ưu tiên (32 dự án phi công trình và 69 dự án công trình) thực hiện theo lộ trình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trước mắt, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 16 công trình trọng điểm với nguồn kinh phí hơn 3.338 tỷ đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Bạc Liêu đã lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chương trình, dự án trên tất cả các lĩnh vực, có tính đến từng giai đoạn theo từng kịch bản nhiệt độ, lượng mưa về nước biển dâng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đánh giá cao những kết quả Bạc Liêu đã đạt được trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Đoàn giám sát đề nghị Bạc Liêu cần xem xét tính toán kỹ hơn khả năng thực hiện 85/101 dự án ưu tiên liên quan biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2012 - 2020, trong đó, 16 dự án đã và đang triển khai; đánh giá cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của người dân trong phối hợp thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả thực tế của các dự án...
Trước đó, Đoàn đã khảo sát một số địa điểm bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và các công trình, dự án, mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Bạc Liêu như: tuyến đê biển Bạc Liêu và kè Gành Hào.