Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hải - Hà Giang phát biểu ý kiến
Vấn đề thứ nhất, liên quan đến vốn phục vụ phát triển kinh tế. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực quyết liệt, để tháo gỡ, khơi tăng nguồn vốn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt được 7,26%. Mặt bằng lãi suất giảm nhanh và mạnh, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả được tiếp cận nguồn vốn rẻ. Vấn đề lãi xuất không còn là vấn đề cản trở trong đầu tư vốn cho nền kinh tế. Vốn tín dụng ngân hàng đã tập trung hướng tới 5 lĩnh vực ưu tiên và nhiều chính sách đã được đề xuất, nhằm triển khai hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh thu hút đông người lao động những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, trong đó đặc biệt là nông nghiệp nông thôn như thóc gạo, chăn nuôi, thủy sản, tái canh cây cà phê. Các chương trình hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Các mô hình liên kết chuỗi sản phẩm trong nông nghiệp. Mặc dù số tiền hỗ trợ của nhà nước thông qua các chương trình này không lớn, chủ yếu từ nguồn các ngân hàng thương mại huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế, song đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế còn tiếp tục khó khăn, sự phục hồi dù đã có chuyển biến song còn chậm. Do vậy, trong thời gian tới để góp phần tăng trưởng tín dụng đạt được mục tiêu là 12 đến 14% năm 2014. Ngoài những nỗ lực của bản thân ngành ngân hàng, tôi đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng tổng cầu hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh tiến độ, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, nỗ lực trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Các cơ chế hỗ trợ khách hàng vay vốn, như cơ chế bảo lãnh vay vốn, Nghị định 41 của Chính phủ về cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nghị định 210 ngày 19 tháng 12 năm 2013 hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp v.v... Cần phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn đặt ra, các Bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, xử lý các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân được tiếp cận dễ dàng hơn nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn tín dụng ưu đãi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Hai, về vấn đề xử lý nợ xấu tôi đồng tình và nhất trí cao với 2 đại biểu phát biểu trước tôi là đại biểu Lộc và đại biểu Hùng. Tôi xin nhấn mạnh thêm ở một khía cạnh khác, bên cạnh chính sách lãi suất thì ngành ngân hàng cũng đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để kiềm chế nợ xấu ra tăng. Nhờ đó đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước. Tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý góp phần giảm bớt chi phí cho hoạt động khách hàng vay do không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn.
Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp và ngân hàng. Tuy nhiên như các đại biểu đã phát biểu trước tôi, chỉ với những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ. Vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đòi hỏi cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp. Đặc biệt trong việc phục hồi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản v.v... Nếu các giải pháp nêu trên không được triển khai đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu không triệt để và không đạt được như mong muốn.
Trong bối cảnh tình hình phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển nước ta từ đầu tháng 5 vừa qua. Trong chiến lược giảm nghèo bền vững cần kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường an ninh, quốc phòng đối với các vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, đây là một vấn đề đang được đông đảo cử tri cả nước và cử tri Hà Giang đặc biệt quan tâm. Cử tri Hà Giang nói riêng, cử tri các tỉnh biên giới nói chung đề nghị Chính phủ:
Thứ nhất, sớm rà soát ưu tiên bố trí vốn cho việc xây dựng đường tuần tra biên giới có xem xét đến vùng đặc biệt khó khăn, vùng trọng điểm, đặc biệt là vùng biên giới với Trung Quốc, góp phần giữ vững đường biên mốc giới, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Qua đó trước mắt tạo được công ăn việc làm cho đồng bào nghèo, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền và giảm dần sự so sánh đầu tư giữa hai bên đường biên.
Thứ hai, ngoài việc thực hiện quyết liệt các giải pháp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ, giải phóng đất canh tác để bà con đồng bào vùng đặc biệt khó khăn cư dân dọc biên giới có thêm đất sản xuất tại chỗ, giảm dần và tiến tới xóa bỏ thực trạng cư dân dọc biên giới tự phát sang bên kia biên giới làm thuê nhưng quyền và lợi ích hợp pháp chưa được bảo hộ.
Thứ ba, Hà Giang là một trong nhiều tỉnh trong cả nước có thế mạnh về phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Qua giám sát thực trạng việc thu hồi phí dịch vụ môi trường rừng từ các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, nợ đọng kéo dài, cơ bản không thu hồi được. Việc tái tạo rừng, bảo vệ môi trường thực hiện với tiến độ chậm, gây bức xúc trong đông đảo cử tri. Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh việc thu tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng được thực hiện thông qua bên mua điện để chuyển về quỹ bảo vệ và phát triển rừng của các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại việc tính thuế tài nguyên nước,sản xuất thủy điện đối với các nhà đầu tư. Đề nghị thực hiện việc thu thuế theo giá bán điện của các nhà đầu tư thì phù hợp hơn, hiện tại đang thu của các nhà đầu tư theo giá bán điện của EVN là bất hợp lý.