Hàn Quốc dẫn đầu danh sách các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam

28/03/2008

(ĐCSVN)- Hiện Hàn Quốc có 1.655 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 11,5 tỷ USD, chiếm gần 22,7% tổng số dự án, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư và dẫn đầu danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1991. Tính đến hết năm 2007, Hàn Quốc đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 11,5 tỷ USD với 1.655 dự án. Từ trước đến nay, các dự án FDI Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, chỉ tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép, thì nay có sự gia tăng đáng kể của các dự án lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp như điện tử, thép, xây dựng đô thị mới, văn phòng và khách sạn…

Các nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam và quy mô vốn dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng có sự đột phá mạnh. Nhiều tập đoàn công nghiệp lớn như Posco, Doosan, Kumho, GS E&C, LG... cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng, dịch vụ, thương mại và tài chính, cho thấy tín hiệu về hợp tác của giới doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực này được mở rộng không chỉ trong lĩnh vực dệt may, da giày mà còn sang cả những lĩnh vực công nghệ cao.

Bên cạnh rất nhiều dự án vốn đầu tư có quy mô trên 100 triệu USD của Hàn Quốc đã tăng nhiều vào Việt Nam,  Năm 2007, hàng loạt dự án có vốn đầu tư lớn đang triển khai như dự án xây dựng. Trong đó, đã xuất hiện những dự án đầu tư quy mô siêu lớn với kim ngạch lên đến hàng tỷ USD, điều mà trước đây chưa từng có. Điển hình như: dự án nhà máy sản xuất gang thép mà Tập đoàn Posco của Hàn Quốc đầu tư với vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; Dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thương mại Giảng Võ và khu triển lãm Mễ Trì ( Hà Nội).với tổng vốn 2,5 tỷ USD do Tập đoàn Kumho Asiana - một trong 7 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó,  Kumho Asiana còn xúc tiến tìm hiểu đầu tư một số dự án lớn khác như xây dựng cảng biển Vũng Tàu, đường cao tốc Thủ Đức - Nhơn Trạch (TPHCM); Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng và khách sạn Landmark Tower của Tập đoàn Keangnam với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, dự án xây dựng cụm tháp đôi khách sạn 5 sao Hà Nội Plaza và khu văn phòng cao cấp với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD của Tập đoàn Charmvit…

Thời gian qua, Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Hàn Quốc và ASEAN có hiệu lực từ tháng 6/2007 đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc nói riêng. Theo Chỉ số 20 thị trường đang nổi của Tập đoàn tư vấn Pricewaterhouse Cooper được công bố vào tháng 7/2007, Việt Nam là nước hấp dẫn nhất về mặt sản xuất trong số 20 nước được thăm dò, vượt qua Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra hôm 21/3 vừa qua tại Seoul, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao về những thành tựu quan trọng trong hợp tác kinh tế của các đối tác Hàn Quốc. Đồng chí cũng nhấn mạnh: Việt Nam đang có nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng cao với lực lượng lao động trẻ, dồi dào… Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chính vì vậy rất cần sự đầu tư giúp đỡ của Hàn Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực…” . Cũng nhân dịp 70 doanh nghiệp Việt Nam sang tham dự Diễn đàn Thương mại lần này, số hợp đồng kinh tế với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng đã được ký kết. Theo ông Phạm Tiến Vân, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc khẳng định: Kể từ năm 1991 đến nay, Hàn Quốc đã trở thành một đối  tác quan trọng của Việt Nam đặc biệt về lĩnh vực kinh tế. Cùng với những đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính ở Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ ngày càng quan tâm hơn nữa đến thị trường này và hy vọng, số các dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ không ngừng tăng lên trong thời gian tới.

Các dự án FDI của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam hiện đang tuyển dụng hơn 500.000 nhân viên Việt Nam. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt khoảng 1,7 tỷ USD và năm 2007, con số này lên đến xấp xỉ 5%, đạt gần 2 tỷ USD. Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA) hầu hết các công ty Hàn Quốc đều hài lòng với việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và họ cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành một số chính sách ngày càng hợp lý, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài. Ông Kim Won Ho, Giám đốc KOTRA tại Hà Nội cho rằng: Việc Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định Thương mịa tự do giữa Hàn Quốc và ASEAN thu hút sự quan tâm của người Hàn Quốc và ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những địa điểm đầu tư đầy triển vọng”. Ông cũng cho biết thêm, vào 3/5/2007, KOTRA đã khai trương Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hà Nội. Đây là trung tâm thứ 7 của KOTRA trên toàn thế giới và có nhiệm vụ cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư ở Việt Nam cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hiểu rõ hơn về Việt Nam trước khi quyết đinh đầu tư vào thị trường này.

Khu vực kinh tế có vốn FDI của các doanh nghiệp Hàn Quốc hình thành và phát triển đã trở thành một bộ phận hữu cơ không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt tập trung thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp phụ trợ để giúp tăng tỷ lệ bội địa hóa cho các sản phẩm của họ tại Việt Nam./.

 

 

Khánh Lan

(http://www.cpv.org.vn/index.html)