Nhiều thủ tục hành chính kìm hãm tốc độ cổ phần hóa DNNN

28/03/2008

Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra 15 năm nay và giai đoạn thí điểm đã kết thúc nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Một nguyên nhân quan trọng cản trở tiến trình này là do những rào cản lớn từ cơ chế hành chính.

(VOV)_ Sự ì ạch, chậm chạp của tiến trình này khiến cho chưa năm nào việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) hoàn thành kế hoạch đề ra.

 

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2006, cả nước còn 2.176 DN 100% vốn Nhà nước với số vốn gần 260.000 tỷ đồng. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu từ năm 2006 đến năm 2010 sẽ CPH khoảng 1.500 DN và đến cuối năm 2010 cả nước có 554 DN 100% vốn Nhà nước. Trong đó có 26 tập đoàn, tổng cty quy mô lớn; 178 DN hoạt động trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, sản xuất cung ứng sản phẩm thiết yếu; 200 nông, lâm trường và 150 DN thành viên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

Thế nhưng trong năm 2007 chỉ có 82 DN được CPH, đạt 21% kế hoạch đề ra.

 

Những can thiệp thô bạo

 

Một nguyên nhân chính của việc chậm trễ tiến trình CPH là những rào cản lớn từ cơ chế hành chính. Trên cơ sở tham vấn cho nhiều khách hàng thực hiện CPH, Luật gia Vũ Xuân Tiền – Công ty tư vấn VFAM Việt Nam đã nhận diện 5 rào cản lớn. Đó là khung pháp lý cho quá trình CPH không đủ mạnh; cơ chế chủ quản đối với các DN trong hoạt động kinh doanh; sự thay đổi qua nhanh và quá nhiều trong những quy định của Chính phủ; sự lúng túng trong việc phải đồng thời đạt được những mục đích trái chiều và sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ công chức đối với khó khăn của DN trong quá trình CPH.

 

Theo ông Tiền, cơ chế chủ quản đang tạo ra một “quán tính quyền lực” của các quan chức đối với các DN ngay khi DN đã CPH. Một vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã dùng điện thoại di động để đình chỉ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thực hiện đúng luật của công ty cổ phần (CP) Phan Thiết. Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thì ban hành công văn không thừa nhận kết quả ĐHCĐ của công ty CP dược phẩm Ninh Bình. Hay việc sử dụng quyền lực hành chính để thu hồi con dấu của công ty CP Khách sạn Hữu Nghị (Hà Nội), công ty CP dịch vụ thương mại Đay Sài Gòn… là những cách can thiệp thô bạo vào tiến trình CPH của DN. Những hành động như thế đã khiến DN mất vài ba năm ngay cả khi đã hoàn tất mọi thủ tục CPH, chỉ chờ được chấp thuận giấy phép công ty CP.

 

Vì sợ mất quyền lợi, nhiều quan chức viện dẫn hàng trăm lý do để trì hoãn CPH. Hiện tại, sự đảo chiều của thị trường chứng khóan (TTCK) đang là cái phao để người ta trì hoãn với lý do thị trường suy giảm, nếu IPO sẽ khó bán hoặc không bán được giá CP cao nên phải chờ thời điểm thích hợp. Trong khi đó việc IPO của DN là TTCK sơ cấp, phụ thuộc chủ yếu vào sự hấp dẫn của DN chứ không phụ thuộc vào “bong bóng” thị trường.

 

 

Phải gỡ vướng từ đâu?

 

Luật gia Cao Bá Khoát cho rằng CPH DNNN không theo trình tự mua bán thông thường là bày hết hàng ra để người mua tìm đến mà là “bán hết xương mới đến nạc”. Trong quá tình mua bán này, các quy định về định giá, về người mua, về thủ tục thanh tóan rất lộn xộn.

 

Còn Luật gia Cao Bá Khoát - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự thì cho rằng: “Mấu chốt quan trọng nhất là việc phải hoàn thiện về pháp luật CPH. Cần quy định đơn giản hơn về trình tự, thủ tục thực hiện một số khâu trong quy trình CPH. Đặc biệt các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp chặt chẽ, thống nhất hướng dẫn và xử lý những vướng mắc của doanh nghiệp CPH đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật. Tránh tình trạng lạm dụng quyền lực để nhũng nhiễu doanh nghiệp, cản trở tiến trình thực hiện CPH doanh nghiệp”.

 

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch  Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trong CPH, các cơ quan hành chính chỉ nên là người hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra. Nếu xử lý các vướng mắc dẫn đến tranh chấp thì chỉ là xử lý các vi phạm hành chính, còn vai trò trọng tài xử các vướng mắc khác như việc định giá tài sản, các tranh chấp có liên quan đến Điều lệ Công ty v.v… thì nên là của tòa án kinh tế, khi cần thì toà án huy động chuyên gia các lĩnh vực để giúp mình. Bởi, Tòa án không liên quan đến tài sản DNNN như cơ quan hành chính; Hệ thống tòa án không “rườm rà” như hệ thống hành chính.

 

Trường hợp Công ty cổ phần Hữu Nghị, mặc dù công ty đã CPH, không còn chịu sự điều hành bằng các mệnh lệnh hành chính của UBND TP. Hà Nội, nhưng UBND TP. Hà Nội vẫn ra các văn bản về tranh chấp của các cổ đông trong công ty. Cụ thể là các văn bản: Quyết định 554/QĐ/UB ngày 30.1.2004, thông báo số 196/TB/UB ngày 25.7.2005, thông báo số 196/TB/UB ngày 25.7.2005, công văn số 3122/CV/UB ngày 25.7.2005, công văn 1214/UB-CN ngày 29.03.2006… Đó là những biểu hiện hành chính hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế mà nhẽ ra phải là phán quyết của Tòa án.

 

TS Phạm Sỹ Liên cũng nhấn mạnh, trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo doanh nghiệp vận hành bình thường khi chưa có quyết định phá sản, không được dùng mệnh lệnh hành chính mà bắt doanh nghiệp ngừng hoạt động để “xem xét”. Người nào ra quyết định hay ý kiến hoặc gây rối dẫn đến sự ngưng trệ hoạt động của doanh nghiệp thì phải chịu chế tài pháp luật và bồi thường thiệt hại theo phán quyết của tòa án hành chính.

 

Một thực tế là sau khi CPH, vốn điều lệ của DN rất cao nhưng vốn lưu động lại rất thấp làm cho khả năng cạnh tranh của DN sau khi CPH rất kém. Để thoát khỏi tình cảnh này, theo ông Khoát, cần phải thay đổi nguyên lý sở hữu, tức là phải xem xét lại những quy định về việc Nhà nước giữ CP chi phối tại DN (51%) để tránh những can thiệp của đại diện chủ sở hữu vào hoạt động của DN.

 

Ông Cao Đăng Vinh - Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp) cho rằng để cơ quan chủ quản “thiện chí” hơn với CPH, Chính phủ cần có thái độ kiên quyết và hình thức xử lý cứng rắn hơn với những Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh không hoàn thành kế hoach CPH đã được phê duyệt.

 

Nhiều nhà kinh tế, nhà nghiên cứu cũng cho rằng chậm CPH là một bất lợi lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, hiện tại, khung pháp lý cho CPH rất yếu vì không có luật mà chỉ có nghị định nên không có ai bị phê bình khi không hoàn thành nhiệm vụ./.

Vũ Hạnh

(http://www.vovnews.vn)