Việt Nam có thiếu gạo?

23/03/2008

Vừa qua, một số doanh nghiệp đã nhập lậu gạo “quá đát” của Trung Quốc từ cửa khẩu Lào Cai. Còn ở phía Nam, gạo của Campuchia cũng đang tràn vào Việt Nam mà không qua kiểm soát chất lượng

(VOV)_ Trước những diễn biến “bất thường” này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Việc nhập khẩu gạo vào thị trường Việt Nam, luật pháp chúng ta không ngăn cấm. Nhưng cái chính là việc nhập khẩu này được thực hiện như thế nào. Theo thông tin ban đầu mà tôi nhận được, đây là gạo tồn kho của nước bạn (Trung Quốc), nên được bán với giá thấp hơn. Vấn đề là gạo này được sử dụng như thế nào? Nếu để làm thức ăn chăn nuôi thì không có vấn đề gì, tất nhiên phải kiểm soát theo quy định về chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi. Cái này tôi đang tìm hiểu thêm vì tất cả mới chỉ là phỏng đoán.

 

** Việc nhập khẩu như thế có phải do trong nước chúng ta thiếu gạo?

 

- Hiện nay, có thể nói, đồng bằng sông Cửa Long có một vụ Đông – Xuân thắng lợi, được mùa và được giá. Báo cáo đầu tiên tôi nhận được, đến nay, chúng ta đã thu hoạch được hơn một nửa diện tích và năng suất cao hơn 1,5 - 2 tạ/ha và sản lượng lúa có thể cao hơn từ 150.000 - 200.000 tấn so với năm ngoái. Tại miền Bắc, đến hết ngày 15/3, chúng ta đã gieo cấy ở đồng bằng sông Hồng đạt tới hơn 95% diện tích. Vấn đề bây giờ là chăm sóc. Tuy nhiên, vẫn còn hai việc: ở miền núi, hiện vẫn đang còn thời vụ đến hết ngày 15/4 thì tiếp tục gieo cấy; Thứ hai, vụ Đông - Xuân ở miền Bắc còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bởi vì, thời vụ gieo trồng, so với  trung bình nhiều năm đã chậm hơn 15-20 ngày, nên rủi ro bị ảnh hưởng của thời tiết khô nóng khi lúa trỗ là có. Cho nên, chúng ta phải tiếp tục theo dõi và hướng dẫn nông dân sát sao.

 

**  Như vậy, kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay có gì thay đổi?

 

- Cho đến giờ này, về mặt số lượng xuất khẩu gạo, tôi chưa có lý do gì để đề nghị điều chỉnh. Còn về kim ngạch xuất khẩu, bây giờ giá xuất khẩu tăng mạnh, nếu chúng ta duy trì được số lượng, thì rõ ràng kim ngạch sẽ được nâng lên. Nhưng xuất khẩu chỉ là một phần của vấn đề, quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho nhân dân. Đặc biệt ở những vùng bị thiên tai, vùng khó khăn.

 

* Bộ trưởng đã chỉ thị hạn chế lấy đất màu mỡ để phát triển công nghiệp, nhưng hiện nay, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, vẫn có 100.000 ha mất đi vì CNH, đô thị hóa. Điều này, Bộ NN&PTNT sẽ tính toán như thế nào?

 

- Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì và Bộ NN&PTNT đang phối hợp tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất lúa ở các địa phương, trong đó, có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang làm công nghiệp và phát triển đô thị. Theo tôi, việc lấy đất làm công nghiệp, phát triển đô thị là việc tất yếu chúng ta phải làm. Vấn đề  đặt ra là chúng ta làm như thế nào? Ở những nơi nhất thiết phải lấy cũng phải cố gắng lấy vào đất xấu và lấy ở mức tối thiểu. Còn những nơi có đồi, đất cao hơn, không phù hợp để trồng lúa thì tốt nhất nên lấy ở chỗ đó, thay vì lấy vào bờ xôi, ruộng mật. Chúng ta phải tính tới lâu dài. Diễn biến về khí hậu đang rất phức tạp và khi xảy ra việc nước biển dâng, một phần rất lớn đất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, chúng ta sẽ có biện pháp bảo vệ, nhưng cũng phải đề phòng những tình huống xấu cho thế hệ mai sau.

 

* Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Khương Lực

(http://www.vovnews.vn)