Thị trường EU: Đầy hứa hẹn với các doanh nghiệp Việt Nam

06/03/2008

Trong 15 năm trở lại đây, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - EU đã phát triển toàn diện theo hướng tích cực. Điều đó được thể hiện trong chính sách của EU đối với Việt Nam, trong hợp tác giữa EU và ASEAN được phát triển mạnh vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước

Một mặt hàng XK của Việt Nam sang EU

(VOV)_ Sáng 3/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phái đoàn Việt Nam lên đường thăm chính thức 3 nước Châu Âu: Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Anh, Đức. Chuyến thăm nhằm thiết lập khuôn khổ cho mối quan hệ đối tác toàn diện, nhất là với Anh, Đức - hai nước chủ chốt trong EU, thành viên của P5 + 1 (các nước thường trực trong HĐBA Liên Hợp Quốc + Đức). Nội dung hợp tác trong đầu tư, thương mại được đánh giá là ưu tiên trong nghị trình làm việc 10 ngày tại 3 nước nói trên của Thủ tướng.

 

Trong 15 năm trở lại đây, quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - EU đã phát triển toàn diện theo hướng tích cực. Điều đó được thể hiện trong chính sách của EU đối với Việt Nam, trong hợp tác giữa EU và ASEAN được phát triển mạnh vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước; nhất là sau khi hai bên ký các hiệp định về hợp tác kinh tế, thưng mại, khoa học kỹ thuật với các mục tiêu: Bảo đảm các điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư trên cơ sở cùng có lợi và dành cho nhau Quy chế Tối huệ quốc (MFN); Trợ giúp phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, đặc biệt chú trọng cải thiện đời sống cho các tầng lớp dân cư nghèo và trợ giúp các nỗ lực của Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo cơ chế thị trường nhằm bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng phát triển bền vững.

 

Cùng với các Thỏa thuận về Việt Nam gia nhập WTO ký năm 2004 và Hiệp định về hàng dệt may và giày dép; Thỏa thuận về mở cửa thị trường, trong đó có việc bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam từ 01/01/2005, quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam đã bước sang thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam - EU tăng nhanh trong các năm gần đây. Đánh giá về tiềm năng của thị trường EU, ông Trần Trung Thực, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết: “Tiềm năng của thị trường EU đối với Việt Nam rất tốt. EU là một thị trường rất rộng lớn và có nhu cầu cao về hàng hóa chất lượng cao. Vì là thị trường lớn và ổn định nên rất nhiều nước đặt mục tiêu thâm nhập vào thị trường EU. Do đó, mức độ cạnh tranh trên thị trường này rất lớn. Để có thể cạnh tranh và phát triển quan hệ thương mại với EU thì các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cùng với các nước ASEAN, trong đó Việt Nam chủ trì đàm phán với các nước EU theo định hướng xây dựng khu vực mậu dịch tự do giữa EU và các nước ASEAN. Nếu thành công, sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam thâm nhập thị trường này”.

 

Hiện nay, EU đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 8,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2006, chiếm gần 18% tổng kim ngạch thưng mại cả nước. Đối với mặt hàng giày dép của Việt Nam, với tổng giá trị 2,1 tỷ USD trong năm 2007, chiếm hạn ngạch 7 % tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU. Nhu cầu nhập khẩu giày dép những năm gần đây của thị trường EU khoảng trên 29 tỷ USD/năm. Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu của Việt Nam vào EU năm 2008 đạt trên 10 tỷ USD, tăng trên 23% so với năm trước. Các mặt hàng dệt may, giày dép, thủy sản, sản phẩm gỗ, cà phê được dự báo là sẽ có mức tăng khá cao; trong đó, giày dép tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch dự kiến đạt 2,7 tỷ USD.

 

Đối với hàng dệt may, mặc dù vẫn dự đoán mức tăng trưởng ở thị trường này với kim ngạch khoảng 1,65 tỷ USD, nhưng Bộ Công thương cũng nhận định, việc EU bãi bỏ hạn ngạch cho hàng dệt may Trung Quốc trong năm nay sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với hàng dệt may Việt Nam. Với cà phê, EU cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2008, dự kiến xuất khẩu cà phê sang EU đạt 820 triệu USD; các mặt hàng khác cũng được dự báo tăng khá cao là thuỷ sản đạt khoảng gần 1,2 tỷ USD, tăng 25%; sản phẩm gỗ đạt khoảng 780 triệu USD, tăng 30%.

 

Nhằm đạt các mục tiêu xuất khẩu sang thị trường EU, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp phát triển thêm mặt hàng mới, có triển vọng tăng kim ngạch như sản phẩm cơ khí, linh kiện vi tính và điện tử bên cạnh việc duy trì những mặt hàng đã có chỗ đứng như dệt may, giày dép, nông thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ. Về thị trường: Cần tiếp tục khai thác triệt để các thị trường trọng điểm có kim ngạch lớn như Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Bỉ; kết hợp với đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường mới của khu vực EU như Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan.

 

Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư, kinh doanh đạt hiệu quả, ngoài việc các doanh nghiệp, hiệp hội cần hiểu rõ chính sách thương mại, các định chế và quy định khắt khe của thị trường lớn này, ông Trần Trung Thực cho rằng: “Với tư cách là người làm việc trực tiếp với Liên minh châu Âu, tôi mong muốn trong năm 2008 này, làm sao vận động đấu tranh để EU tiếp tục cho ta hưởng GSP (hệ thống ưu đãi phổ cập) đối với mặt hàng giày – mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất sang EU. Thứ hai là vận động công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Một điều cũng hết sức quan trọng là ngoài xúc tiến thương mại theo những hình thức thông thường thì Việt Nam cũng phải tìm những phương thức mới như đầu tư ra nước ngoài, thành lập doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, như ở Bỉ đã bắt đầu làm với mặt hàng thủy sản; rồi xây dựng những kho ngoại quan. Còn hình thức cao hơn nữa là thâm nhập vào hệ thống phân phối của các nước EU”.

 

Kể từ 11/01/2007, khung pháp lý về thị trường thương mại, dịch vụ giữa Việt Nam và EU đã được mở hoàn toàn. Một thời kỳ mới với nhiều cơ hội và thách thức đang mở ra. Vấn đề quan trọng và có tính quyết định là các doanh nghiệp cần nắm vững và vận hành thật tốt các chính sách, thể chế, quy định của WTO nói chung và EU nói riêng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của đơn vị, ngành hàng mình, nhằm góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới./.

 

Thị trường EU với 27 nước thành viên, gồm hầu hết các nước châu Âu. GDP đạt gần 11.000 tỷ USD (chiếm 27% GDP thế giới); tổng kim ngạch ngoại thương đạt gần 1.400 tỷ USD (chiếm gần 20% thương mại toàn cầu). Nếu tính cả mậu dịch nội khối thì tổng kim ngạch mậu dịch là 3.092 tỷ USD (chiếm 41,4% thị phần thế giới). EU đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ, chiếm 43,8% thị phần thế giới (gấp 2,5 lần Mỹ); đầu tư ra nước ngoài chiếm 47% FDI toàn cầu. Điều này cho thấy, EU đã và đang là một thị trường rộng lớn, đầy hứa hẹn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

  

Hữu Tiến

(http://www.vovnews.vn)