Những hệ lụy từ việc tăng lãi suất đồng loạt của các ngân hàng

29/02/2008

Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng các mức lãi suất kể từ ngày 1/2/2008. Động thái này được nhìn nhận là cách để thực hiện mục tiêu giảm lạm phát bằng cách thu hút tiền về, giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường

(VOV)_Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh tăng các mức lãi suất kể từ ngày 1/2/2008. Theo đó, lãi suất cơ bản từ 8,25%/năm tăng lên 8,75%/năm, tăng 0,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm tăng lên 7,5%/năm, tăng 1,0%/năm; lãi suất chiết khấu từ 4,5%/năm tăng lên 6,0%/năm, tăng 1,5%/năm. Động thái này được nhìn nhận là cách để NHNN thực hiện mục tiêu giảm lạm phát bằng cách thu hút tiền về, giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường. Việc NHNN tăng lãi suất đã khiến lượng tiền mặt trên thị trường khan hiếm và để huy động vốn, các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt tăng lãi suất với mức cao nhất từ trước đến nay, tăng thêm từ 1,12-0,48% so với trước đó. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ có những ảnh hưởng:

 

Một là, làm tăng lãi suất cho vay vốn thị trường, tức là làm tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp và người kinh doanh, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ, tác động tăng giá trên thị trường xã hội, đi ngược lại mục tiêu kiềm chế lạm phát của việc NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt.

 

Hai là, lãi suất đầu vào của NHTM, tức lãi suất huy động vốn tăng cao, cộng với chi phí cao do tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng mạnh, chi phí bù lỗ cho việc mua tín phiếu NHNN, nhưng lãi suất cho vay tăng chậm, khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất đầu vào thu hẹp. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ chậm hơn tốc độ tăng huy động vốn. Cả hai nhân tố đó làm cho lợi nhuận của NHTM ngày càng thấp, làm ảnh hưởng đến năng lực tài chính và khả năng cạnh tranh, uy tín của NHTM.

 

Ba là, việc vay vốn của doanh nghiệp, của khách hàng khó khăn hơn. Một mặt tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh trong quan hệ tín dụng giữa khách hàng và ngân hàng, tức là NHTM buộc phải lựa chọn dự án, lựa chọn khách hàng, việc cho vay vốn khắt khe hơn. Mặt khác, nhiều dự án bị từ chối vay vốn, hoặc doanh nghiệp không dám vay, không dám triển khai dự án, từ đó ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra mục tiêu 9% trong năm 2008.

 

Bốn là, việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thu hút hàng chục nghìn tỷ đồng từ lưu thông về không thể kiềm chế được tốc độ tăng giá rau, thực phẩm, giá cà phê, sắt thép, giá bất động sản… hiện nay. Bởi vì giá các mặt hàng đó tăng là do rét đậm kéo dài, do nhu cầu sau Tết Nguyên đán tăng cao, do giá thị trường thế giới tăng, do cung - cầu… Bởi vậy, cho dù NHNN có tăng cao hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tăng các loại lãi suất chủ đạo, phát hành thêm hàng chục nghìn tỷ đồng tín phiếu NHNN có tính chất bắt buộc,… thì giá các nhóm mặt hàng đó vẫn diễn biến theo các nhân tố hiện hữu của nó, bởi vì đó là những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống còn người. Bên cạnh đó, diễn biến giảm tỷ giá VND/USD và tình trạng cung USD tăng mạnh,… nếu tiếp tục diễn ra với mức độ lớn thì sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu, đến thu hút vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài…

 

Rõ ràng là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang bị tạm thời “hy sinh” cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng chỉ số giá tiêu dùng, diễn biến của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán thì vẫn dường như không thấy có liên hệ gì đến việc thắt chặt tiền tệ. Đây là mâu thuẫn trong điều hành cần được phân tích để có điều chỉnh phù hợp trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.

 

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia: Giải pháp đưa ra thì trúng nhưng kết quả chưa cao

 

** Thưa ông, đâu là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất?

 

- Xuất phát từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước như tăng lãi suất cơ bản, tăng dự trữ bắt buộc, mua tín phiếu bắt buộc làm cho lượng tiền mặt trên thị trường khan hiếm. Thêm nữa, mọi năm, lượng tiền tệ tập trung vào ngân hàng rất nhanh sau Tết. Nhưng năm nay, sau Tết, lượng tiền gửi vào ngân hàng không nhiều, bởi nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đã tự chủ trong kinh doanh, họ dành tiền đầu tư vào các dự án có lợi nhuận cao hơn. Thêm nữa, hiện nay, giá trị đồng tiền Việt Nam tăng, trong khi đồng USD giảm, người dân không tích luỹ USD nữa cũng làm cho tiền Việt Nam khan hiếm. Hiện, tỉ số giá tiêu dùng tăng cao nên tiền gửi lãi suất tiết kiệm đang âm, người dân tính toán đầu tư vào chỗ khác sinh lời hơn. Do đó, các ngân hàng thương mại buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn.

 

** Theo ông, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đưa ra có kịp thời không?

 

- Có 5 kênh tiền tệ gây lạm phát. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước bỏ tiền ra mua đô la, làm cho lượng tiền tệ tăng mạnh, rút về không kịp. Thứ hai, tiền huy động qua tín dụng tăng nhanh. Thứ ba, tiền đầu tư từ nước ngoài đổ vào nhiều. Thứ tư, có nhiều dự án đầu tư nhanh, thiếu hiệu quả. Thứ năm, chính sách tài khoá, bội chi ngân sách, chi tiêu hành chính không được kiểm soát chặt chẽ, gây lãng phí.

 

Vừa qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp quyết liệt, đồng bộ để rút lượng tiền lưu thông trên thị trường về, như tăng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc... và sắp sửa phát hành trái phiếu Ngân hàng Nhà nước. Giải pháp Nhà nước đưa ra rất đúng, rất kịp thời và các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện khá đồng bộ, nhưng kết quả chưa cao, là do việc điều hành 5 kênh tiền tệ vừa nêu trên chưa đồng bộ, chưa hỗ trợ nhau tạo ra sức mạnh chống lạm phát. Thứ hai, những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phối hợp với các kênh giải pháp khác chưa được thông thoát. Do đó, giải pháp đưa ra thì trúng nhưng kết quả chưa cao.

 

** Ông đánh giá thế nào về khả năng huy động vốn của ngân hàng thương mại sau khi tăng lãi suất?

 

- Gây ra lạm phát có rất nhiều kênh. Hiện, chúng ta đang thực hiện giải quyết kênh tiền tệ, và đến các kênh khác. Cùng với việc hạn chế tiền mặt lưu thông trên thị trường phải giải quyết hợp lý thị trường bất động sản, vàng, đô la... Tất cả các kênh đều phải làm đồng bộ, tích cực thì các ngân hàng mới có thể huy động vốn tốt hơn để cho vay.

 

** Các ngân hàng thiếu vốn, tính thanh khoản sẽ bị kém đi. Theo ông, đây có phải là điều đáng lo ngại cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung?

 

- Việc khan hiếm vốn khiến các ngân hàng phải rà soát lại nguồn vốn cho vay. Những chỗ nào cho vay thiếu hiệu quả, cho vay dễ dãi quá thì phải tính toán lại. Ví dụ nguồn vốn cho vay trong kinh doanh bất động sản nhiều khi dễ dãi quá, các ngân hàng sẽ phải rà soát lại, làm cho hiệu quả tín dụng tăng lên, giảm lạm phát xuống. Khi huy động lãi suất cao, cho vay cao thì chi phí cao, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm, các ngân hàng phải tính toán lại tất cả các khâu quản lý, quản trị của mình. Các ngân hàng thương mại cũng nên có sự phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ, chi viện cho nhau. Mọi động tác cạnh tranh không lành mạnh để vượt lên, tìm kiếm lợi nhuận trước sẽ ảnh hưởng đến bản thân họ và ảnh hưởng đến việc kiềm chế lạm phát.

 

 

Ông Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện Khoa học Tài chính (Bộ Tài chính): Doanh nghiệp góp phần cùng Nhà nước kiềm chế lạm phát

 

Do lạm phát cao, lãi suất ngân hàng hiện đang âm, ngân hàng không cạnh tranh được. Nâng lãi suất tiết kiệm một mặt đảm bảo cho ngân hàng tồn tại, mặt khác đây cũng là biện pháp để thu tiền mặt về.

 

Người có tiền mặt trong tay thấy thị trường nào hấp dẫn thì họ sẽ đầu tư, ví dụ như địa ốc, chứng khoán, vàng... Tuy nhiên, với những người không có khả năng kinh doanh khi lãi suất ngân hàng tăng cao thì chắc ăn nhất vẫn là mua tín phiếu của Nhà nước, hoặc gửi tiết kiệm.

 

Trong năm 2008, chúng ta sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8,5-9%. Đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng này có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp phải góp phần cùng với Nhà nước kiềm chế lạm phát, thực hiện được mục tiêu tăng trưởng bền vững.

 

Muốn chống lạm phát thành công phải thực hiện tốt các giải pháp sau: Thứ nhất, phải sử dụng hợp lý lượng tiền từ nước ngoài đổ vào. Thứ hai, rà soát lại các công trình xây dựng cơ bản, những dự án đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí. Thứ ba là chính sách tài khoá. Các giải pháp trên phải thực hiện đồng bộ. Được biết, để chống lạm phát, Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại tất cả các công trình đầu tư và thực hành chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội: Góp phần hạn chế dòng đầu tư mang tính đầu cơ

 

Khi các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất buộc các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn rẻ hơn, đó là những nguồn vốn trực tiếp mang tính chất thị trường, ví dụ như phát hành cổ phiếu, cổ phần hoá, huy động nguồn vốn thông qua người nhà, vay trực tiếp trên thị trường, không thông qua ngân hàng. Đây là động lực tích cực để phát triển thị trường vốn, góp phần hạn chế dòng đầu tư mang tính chất đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản./.

(http://www.vovnews.vn)