“Trong 3 năm tới phải có bước nhảy vọt về đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục hôm qua (12/12).
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục -Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và các thành viên Hội đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các thành viên trong Hội đồng quốc gia Giáo dục cần tiếp tục đóng góp tích cực và hiệu quả hơn về mô hình tổ chức cũng như tư vấn các chính sách nhằm đưa giáo dục đào tạo thực sự là nền tảng cho CNH - HĐH đất nước.
Thủ tướng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước cần hàng vạn lao động Việt Nam có tay nghề thuần thục, song thị trường lao động trong nước lại chưa đáp ứng được.
Để giải quyết việc làm cho thanh niên, Thủ tướng nhắc lại chính sách của Chính phủ sẵn sàng huy động các nguồn lực khác nhau để đào tạo nghề cho những người nghèo, cận nghèo. Việt Nam được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đầu tư xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng hoan nghênh các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã lập 11 trường dạy nghề, mỗi năm cung cấp hơn 2 vạn lao động qua đào tạo.
Thủ tướng đã yêu cầu ngành Giáo dục - Đào tạo nghiêm túc đánh giá việc thực hiện Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, nêu rõ những việc đã làm được, việc chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để trong 3 năm còn lại thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Bộ Giáo dục - Đào tạo cần đề xuất những chính sách cụ thể về hỗ trợ, huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đào tạo nghề. Thủ tướng khẳng định:
Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách, là động lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, vì vậy, ngân sách luôn ưu tiên hàng đầu cho giáo dục đào tạo.
Đảng, Chính phủ cũng khuyến khích mở rộng các hình thức đào tạo dân lập, có cơ chế khuyến khích, ưu đãi trong việc cho thuê quyền sử dụng đất và cho vay vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị dạy học…
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục- Đào tạo ban hành các tiêu chí thành lập trường mầm non, tiểu học, phổ thông, không để cơ chế xin - cho có đất phát triển.
Riêng về mức đóng học phí, Thủ tướng cho biết:
Các trường dân lập hoàn toàn tự chủ về tài chính, các trường công lập thì Chính phủ sẽ có quy định cụ thể đối với từng vùng, miền phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.
Thủ tướng khẳng định, Nhà nước tiếp tục dành ưu tiên cho giáo dục (trên 20% ngân sách) và có cơ chế phù hợp huy động nguồn lực tham gia vào lĩnh vực giáo dục như tạo điều kiện về đất đai và vốn để mở trường dân lập ở tất cả các cấp học...
Chính sách học phí đối với đào tạo cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, Thủ tướng cho rằng, những gia đình có thu nhập trung bình trở lên cần phải có sự đóng góp thích hợp trong giáo dục, đào tạo, Nhà nước chỉ hỗ trợ, miễn giảm cho đối tượng nghèo và cận nghèo.