Cần thay đổi cơ chế thực hiện và quản lý các dự án xây dựng giao thông

17/10/2007

Từ đầu năm đến nay, mức tăng giá của vật tư, vật liệu xây dựng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ thực hiện của hầu hết các dự án xây dựng cơ bản. Giá nhựa đường tăng gấp 3 lần so với đầu năm là một bài toán kinh tế nan giải cho các chủ thầu dự án giao thông vận tải

(VOV)_ Đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải là yếu tố quan trọng quyết định đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay các dự án xây dựng hệ thống giao thông nước ta, trong đó có những dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đang được triển khai rất chậm. Nguyên nhân là giá vật liệu xây dựng tăng cao và sự bất cập trong cơ chế thực hiện, quản lý các dự án…

Từ đầu năm đến nay, mức tăng giá của vật tư, vật liệu xây dựng cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ thực hiện của hầu hết các dự án xây dựng cơ bản. Giá nhựa đường tăng gấp 3 lần so với đầu năm là một bài toán kinh tế nan giải cho các chủ thầu dự án giao thông vận tải. Việc định giá vật tư, vật liệu xây dựng không tính đến yếu tố thị trường là một yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ của các dự án. Năng lực của các nhà thầu cũng là một yếu tố quan trọng khiến các dự án xây dựng giao thông chậm tiến độ. Trong một số dự án sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp nước ngoài ODA ví dụ như dự án Giao thông nông thôn 2, chúng ta đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia đấu thầu để nâng cao năng lực cho khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên do chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ nên rất nhiều nhà thầu có năng lực yếu đã được tham gia dự án khiến chất lượng của các dự án kém và tiến độ thực hiện chậm.

Để một dự án xây dựng giao thông được thực hiện đúng tiến độ đảm bảo chất lượng thì vấn đề quan trọng là phải chọn được nhà thầu thích hợp đủ khả năng tài chính và  năng lực quản lý. Nhưng hiện nay các chủ đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. Ông Hà Khắc Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: “Ở các nước trên thế giới, chế độ kiểm toán của rất tốt. Các doanh nghiệp chịu sự kiểm toán của các công ty kiểm toán nhất là các công ty kiểm toán độc lập. Khi đấu thầu thì xác nhận của các cơ quan kiểm toán độc lập là chứng cứ để xem xét về năng lực tài chính nhưng ở ta hệ thống này mới có nên rất khó khăn để có thể biết chính xác năng lực tài chính của doanh nghiệp”.

Đối với những dự án bị chậm tiến độ do năng lực của nhà thầu, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý xem xét, kiểm điểm đồng thời tổ chức đấu thầu lại hoặc trao quyền thực hiện dự án cho nhà thầu khác có năng lực nhằm đảm bảo chất lượng của dự án. Trong thời gian tới cần phải quản lý và tổ chức đấu thầu các dự án xây dựng giao thông một cách công khai, minh bạch và chặt chẽ hơn nữa. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Sẽ đấu thầu theo năng lực về tài chính, năng lực về máy móc của nhà thầu. Rà soát nhiều vòng và vòng cuối cùng mới lựa chọn đến các giá trị gói thầu để đảm bảo được khi nhà thầu trúng thầu thì vừa có năng lực tài chính vừa có năng lực về quản lý cũng như đảm bảo giá thầu tốt nhất để thực hiện dự án. Còn trong quá trình thực hiện khi đã trúng thấu thì các điều kiện ràng buộc hợp đồng phải rõ ràng, nếu như tiến độ không đảm bảo, năng lực không đảm bảo thì kiên quyết chấm dứt hợp đồng và có giải pháp để đưa nhà thầu đó vào danh sách đen và cấm đấu thầu các dự án tiếp theo”.

Một số thay đổi trong các văn bản mới được ban hành so với qui định cũ cũng là một nguyên nhân làm chậm tiến độ công trình. Theo qui định mới thì trong khâu chuẩn bị dự án, phê duyệt dự án phải phê duyệt dự án cơ sở. Điều này đã khiến cho thời gian phê duyệt dự án kéo dài. Hay như Nghị định 16 về chuyển giao quyền chủ đầu tư từ các ban quản lý sang các Cục quản lý chuyên ngành đòi hỏi thời gian chuyển tiếp để các Cục có thể quản lý tốt được các dự án đang dở dang… Công tác giải toả mặt bằng cho các dự án giao thông hiện nay đã được giao cho các địa phương. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều địa phương tỏ ra lúng túng và thực hiện không có hiệu quả.

Từ nay đến cuối năm, để có thể tăng cường hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án xây dựng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải và các cấp, ngành liên quan cần tập trung rà soát lại các văn bản để tránh chồng chéo. Thêm nữa Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cần phối hợp giải quyết triệt để công tác giải toả mặt bằng, tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà thầu khi thực hiện dự án. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng các qui tắc đấu thầu phù hợp với thông lệ  quốc tế, có tính đến yếu tố trượt giá, đảm bảo cho các nhà thầu không bị thiệt thòi khi giá cả biến động. Công thức tính trượt giá đã đưa vào thí điểm một số dự án và có thể sẽ đưa vào thực hiện rộng rãi trong thời gian tới./.

 

Tiến Đức

(http://www.vovnews.vn/)