(VOV)_ Thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 1/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp bình ổn giá. Từ giữa tháng 8 đến nay, giá nhiều mặt hàng hoá đã chững lại, không tăng cao như trước, thậm chí có loại giảm. Đặc biệt, là từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường hàng hoá, dịch vụ diễn ra sôi động, phong trào bán hàng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Các siêu thụ lớn kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến và đồ điện tử điều niêm yết giảm giá từ 10 đến 30%. Các doanh nghiệp cũng đã công bố giảm giá một số loại hàng hoá từ đầu tháng 9 như: giá gas giảm bình quân 335 đồng/kg, thép giảm từ 100-200 đồng/kg, cước điện thoại quốc tế chiều đi giảm từ 12 đến 15%…
Để đạt được kết quả đó, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp bình ổn giá theo Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, giải pháp mang tính đột phá là giảm thuế suất nhập khẩu đối với 18 nhóm hàng đang có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao; các giải pháp kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dự nợ tín dụng được được đẩy mạnh. Vì thế, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tháng 8 ước chỉ tăng hơn 2%, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 1,41% so với tháng 7, góp phần làm giảm sức ép tăng giá trên thị trường. Mặt khác, giá cả hàng hoá mà nước ta phải nhập khẩu và những hàng hoá xuất khẩu tháng 8 so với tháng 7 tương đối ổn định, đã giảm sức ép kéo giá trong nước tăng theo. Đồng thời, giá một số hàng hoá, dịch vụ cơ bản Nhà nước định giá vẫn giữ ổn định, có loại giảm (như giá xăng) đã tác động tích cực đến ổn định giá cả thị trường và tâm lý của người tiêu dùng như: ổn định giá điện, giá cả các loại dầu, giá bán than cho các hộ tiêu dùng lớn, giá cước vận tải hành khách.
Để tiếp tục bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm nay, cần thực hiện giữ vững các cân đối vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ, không để xẩy ra thiếu điện, sắt thép, xi măng, phân bón cho sản xuất và không để thiếu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân ở các vùng miền và ở tất cả các thời điểm trong năm. Cùng với việc bảo đảm chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm tra, xử lý ngay những vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân cho các công trình đầu tư.
Từ nay đến cuối năm, phải kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách, tổ chức thực hiện nhiêm ngặt các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết giữ vững bội chi ngân sách nhà nước trong khoảng 5% GDP. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ. Đặc biết, qua các đoàn kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thép, sữa, gas… cho thấy, nhiều mặt hàng thiết yếu được giảm thuế nhập khẩu nhưng giá mới chỉ dừng tăng chứ chưa có dấu hiệu giảm giá như các loại sữa, thịt gia cầm, thức ăn chăn nuôi, ô tô… Do đó, các Bộ, ngành quản lý sản xuất kinh doanh những doanh nghiệp cắt giảm chi phí bất hợp lý để giảm giá hàng, trước hết là những mặt hàng được nhà nước giảm thuế nhập khẩu. Các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát giá cả trên thị trường, không để xẩy ra tình trạng đầu cơ gây biến động thị trường.
Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường sẽ là cơ sở góp phần bình ổn giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đề ra trong năm 2007. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề quan trọng để Chính phủ đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2008 – năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2005-2010./.