Thành công của Việt Nam trong xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế

09/10/2007

Những cam kết mạnh mẽ về tăng mức vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ qua các năm, cho thấy, cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong giảm nghèo và cải cách, phát triển kinh tế.

(VOV)_ Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo lần thứ 6 (PRSC 6) có tổng trị giá 175 triệu USD vừa được WB cho vay ưu đãi, với thời hạn thanh toán là 40 năm trong đó có 10 năm ân hạn và lãi suất 0% nhằm mục tiêu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo tại Việt Nam. Đây là khoản tín dụng hàng năm lớn nhất từ trước tới nay, ngoại trừ khoản tín dụng cho chương trình PRSC 1 năm 2001 với mức 250 triệu USD. Các nội dung trọng tâm của PRSC 6 này sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính là phát triển kinh doanh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế; giảm nghèo; tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nâng cao năng lực quản trị của nhà nước. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu, cho biết: “PRSC 6 mang ý nghĩa quan trọng vì đây là một chương trình mở đầu cho chu kỳ mới của chương trình hỗ trợ mới với định hướng chiến lược gắn kết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006 – 2010 của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với mức hài hoà cao giữa chiến lược giảm nghèo với tăng trưởng kinh tế, giữa mục tiêu hành động của chính phủ với ưu tiên của các nhà tài trợ. Thành công của chương trình trên các khía cạnh là những thành công và định hướng cho chu trình mới, cũng là cơ sở để các chương trình sau hiệu quả hơn và toàn diện hơn”.

Ông Ajay Chibber, Giám đốc WB tại Việt Nam, nói: “Chúng ta đã đi một chặng đường dài từ năm 2001 đến nay. Tuy mới đến Việt Nam nhưng tôi rất ấn tượng với những kết quả và thành tựu mà chương trình GRSC đã đạt được. Khởi đầu từ 150 triệu USD của WB và 22 triệu USD  từ các nhà tài trợ khác, đến nay chúng ta đã có khoản tín dụng là 360 triệu USD với 175 triệu ÚD và 195 triệu từ 11 nhà đồng tài trợ. Mức tăng cả số tiền tài trợ và số nhà đồng tài trợ tham gia cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến WB sẽ tăng mức tài trợ cho GRSC 7 lên 200 triệu USD”.

Cùng với WB, nhiều nhà tài trợ khác, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, Tây Ban Nha, Australia, Canada, Đan Mạch, Anh, Uỷ ban châu Âu (EC), Đức, Ailen, Nhật Bản và Hà Lan cũng đã tham gia hỗ trợ cho Việt Nam trong các chương trình này. Điểm đáng mừng là các nhà tài trợ luôn cam kết cho vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại năm sau cao hơn năm trước, trong đó riêng trong năm 2007 này cam kết hỗ trợ số vốn lên tới 190 triệu USD vào Chương trình PRSC 6 này, cao hơn cả WB. Ông Willy Vanderberghe, Tham tán thường trực, của Tổ chức Hợp tác phát triển của Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Uỷ ban châu Âu  đã quyết định tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho chương trình này trong  năm nay là 27 triệu euro. Bằng hành động này chúng tôi muốn nói rằng, EC ủng hộ mạnh mẽ và tin tưởng rằng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2006- 2010 sẽ thành công. Chúng tôi không chỉ cam kết về vốn mà sẽ hỗ trợ các bạn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và  nâng cao hệ thống an sinh xã hội”.

Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo được WB hỗ trợ cho Việt Nam được thực hiện kể từ năm 2001 dựa trên Chiến lược tăng trưởng và giảm nghèo toàn diện của Chính phủ Việt Nam với các mục tiêu chính gồm: Tăng cường việc quản lý và trách nhiệm chi tiêu công để đảm bảo thông tin ngân sách tổng hợp, cải thiện công tác thanh tra nội bộ và đảm bảo tính công bằng hơn về chi tiêu công trong lĩnh vực xã hội ở các tỉnh; Tăng cường minh bạch trong cả khu vực ngoài nhà nước và nhà nước thông qua việc cung cấp các thông tin có hệ thống về kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tiến hành kiểm toán các ngân hàng thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng việc tiếp cận tới các thông tin ngân sách chi tiết; Thực hiện mạng lưới an sinh xã hội đầy đủ cho công nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước dôi dư do quá trình cải cách. Các chương trình PRSC trong thời gian qua không chỉ hỗ trợ về vốn cho công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nước ta mà còn là diễn đàn cho các nhà tài trợ, cộng đồng quốc tế được trao đổi, tham gia góp ý vào chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong sử dụng các nguồn vốn, thu chi ngân sách..v.v.

Với những cam kết mạnh mẽ về tăng mức vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ qua các năm, cho thấy, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong giảm nghèo và cải cách, phát triển kinh tế. Tuy nhiên bước vào giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nguy cơ về gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta là có thật, đòi hỏi có những bước tiến mới, biện pháp mới để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo này, thực hiện đúng mục tiêu công bằng xã hội mà Đảng và Quốc hội đã đề ra./.

 

Thành Trường

(http://www.vovnews.vn/)