Triển khai thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long

19/08/2007

Ngày 17/8, tại Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức đã chủ trì hội nghị triển khai thực hiện dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng Sông Cửu Long, bằng vốn vay của Ngân hàng thế giới (dự án WB5).

 Tổng mức đầu tư của dự án 312,02 triệu USD, trong đó vay ưu đãi của ngân hàng thế giới là 207,66 triệu USD, Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là 25 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 79,36 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án là cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, giảm thiểu tắc nghẽn trên các tuyến đường bộ và đường thuỷ then chốt khu vực ĐBSCL. Việc nâng cấp các tuyến đường bộ, đường thuỷ sẽ mang lại lợi ích to lớn, góp phần vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giảm tai nạn giao thông. Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong 02 giai đoạn, bắt đầu vào tháng 4/2008 và kết thúc vào tháng 9/2013. Dự án được phân chia thành 04 hợp phần. Hợp phần A: Xây dựng các tuyến Quốc lộ 53, 54 và 91. Hợp phần B: Hành lang các tuyến đường thủy xuyên Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và duyên hải phía Nam. Hợp phần C: các tuyến đường tỉnh và đường thủy địa phương. Hợp phần D: hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh phía Nam.

Đa số lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai sớm các dự án thuộc hợp phần C, nhằm giải quyết nhu cầu giao thông bức xúc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức và Điều phối viên của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam khẳng định: Các tỉnh hoàn toàn có thể chủ động triển khai thực hiện sớm, vì Bộ Giao thông Vận tải phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản; tuy nhiên phải đăng ký kế hoạch giải ngân vốn cụ thể cho từng năm và tuân thủ đúng các quy định đã thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng thế giới. Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với PMU1 hướng dẫn cho các tỉnh về thủ tục đăng ký kế hoạch giải ngân vốn, ứng với từng nguồn vốn của các nhà tài trợ và đề xuất các thủ tục về thanh quyết toán.

Về công tác GPMB, các tỉnh cần thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, để bảo đảm chỉ đạo điều hành hiệu quả. Ngoài ra, để phối hợp tốt giữa Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương, Cục Giám định và Quản lý chất lượng giao thông vận tải phía Nam là cơ quan tiếp nhận các đề nghị của địa phương và đề xuất Bộ xem xét giải quyết.

 

(http://www.cpv.org.vn/index.html)