Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng KT – XH 6 tháng đầu năm vẫn tăng 8,6% so với cùng kỳ. Thu NSNN ước đạt 54,7% kế hoạch cả năm; giải quyết việc làm mới cho 6.703 lao động. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đạt được nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời... Tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm là: tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về GPMB, thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh...
6 tháng đầu năm, KT - XH của tỉnh Bình Phước tiếp tục tăng trưởng. Các chỉ tiêu về xã hội đạt khá, chính sách an sinh xã hội thực hiện có hiệu quả... Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm là: đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, giải ngân vốn; sửa đổi chính sách thu hút đầu tư, cải cách mạnh mẽ để đơn giản hóa các TTHC; tháo gỡ khó khăn về vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng 20 xã nông thôn mới; ưu tiên thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết KNTC kéo dài…
Báo cáo tại Kỳ họp về tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh Cao Bằng cho thấy: KT - XH có nhiều chuyển biến tích cực: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%; tổng thu NSNN trên địa bàn ước tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp; quy mô các DN nhỏ, tài chính, năng lực cạnh tranh yếu; đời sống văn hóa đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn thiếu thốn; số lượng y, bác sỹ thiếu nhiều so với nhu cầu... 6 tháng cuối năm, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng; cải thiện môi trường để thu hút đầu tư; đẩy mạnh tiến độ bồi thường, GPMB để sớm triển khai các dự án đầu tư và tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường...
6 tháng đầu năm, KT - XH của tỉnh Hà Giang tiếp tục duy trì và phát triển ổn định: GDP tăng 6,3% so cùng kỳ; giải ngân chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 67,9% kế hoạch; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội có nhiều tiến bộ... Tuy nhiên, một số chương trình Mục tiêu quốc gia triển khai chậm; tình trạng mua bán người, chiếm đoạt trẻ em còn diễn biến phức tạp; hiệu quả thu hút đầu tư không cao; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Theo đó, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm là: đẩy nhanh tiến độ trồng rừng mới, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển cho các công trình, dự án sử dụng NSNN và các chương trình Mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh các biện pháp quản lý, khai thác các nguồn thu phát sinh.
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm của tỉnh Sơn La cho thấy: kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 7,09%; nông nghiệp phát triển ổn định; công nghiệp, dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá; các lĩnh vực xã hội tiếp tục có tiến bộ... Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2012; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tiến độ trồng rừng và cây công nghiệp, nhất là cây cao su còn chậm; việc triển khai xây dựng, phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chậm; thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản còn lúng túng; công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng, lợi thế chưa được thực hiện hiệu quả; tiến độ triển khai các chương trình, dự án và giải ngân thanh toán vốn vẫn còn chậm; thu ngân sách trên địa bàn vẫn đạt thấp so với tiến độ thực hiện dự toán năm.
Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, kinh tế tỉnh Tây Ninh phát triển khá, tốc độ tăng trưởng đạt 9,2% so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm; tai nạn giao thông giảm cả 3 mặt. Cơ bản giải quyết tình hình khiếu kiện đông người, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai… 3 chương trình đột phá của tỉnh tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn chung tiến độ chậm, do mục tiêu đặt ra cao so với năng lực và nguồn lực thực hiện. Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn… 6 tháng còn lại, tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, điều hành của Trung ương bảo đảm các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; huy động nguồn lực đầu tư để tập trung cho 3 chương trình đột phá và các chương trình trọng điểm của tỉnh...
6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu KT - XH của tỉnh Hậu Giang đạt khá so với cùng kỳ: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,98%; công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết KNTC và đấu tranh phòng chống tham nhũng được chú trọng… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, sản xuất lúa không có lãi, diện tích nuôi trồng thủy sản giảm so với cùng kỳ làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu… Những giải pháp, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là: tập trung thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM; tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn vốn để đầu tư phát triển; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, bảo trợ xã hội và tăng cường công tác phòng chống tội phạm…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, 6 tháng đầu năm: tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,2%, trong đó khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 6,33%, công nghiệp - xây dựng tăng 18,38%, dịch vụ tăng 13,37%. Các ngành dịch vụ vận tải, du lịch, bưu chính viễn thông tiếp tục phát triển, tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu vận tải ước đạt 55 tỷ đồng, tăng 5,2%; tổng lượt khách du lịch 80.050 lượt, tăng 17%, doanh thu ước đạt 69,3 tỷ đồng, tăng 8%; tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 3.517,2 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước...
6 tháng qua, KT - XH của tỉnh An Giang vẫn tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,1%, kim ngạch xuất khẩu đạt 453 triệu USD (tăng 7,3% so với cùng kỳ), thu ngân sách đạt 2.746 tỷ đồng (tăng 4,3%); lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách có liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội được triển khai đến tận cơ sở. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần tập trung thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ năm: chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm đạt thấp. Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn với mức lãi suất theo quy định; hoạt động công nghiệp còn trầm lắng. Việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao…