THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI BỘ NỘI VỤ

02/08/2020

Cần làm rõ trách nhiệm của địa phương trong đào tạo và tuyển dụng các sinh viên tuyển cử là nội dung mà nhiều đại biểu nêu ra trong buổi làm việc giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội và Bộ Nội vụ về việc thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội về nội dung "Nghiên cứu chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số" ngày 01/8.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì. Tham dự còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các ấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, Bộ đã chủ trì hoàn thiện dự thảo 5 Nghị đinh quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ban hành các chính  sách ưu tiên cho công tác cán bộ vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời Bộ Nội vụ cũng đã cùng các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chính sách về công tác cán bộ riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số chính sách liên quan và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách cụ thể về lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng một trong những bất cập hiện nay còn gần 42% sinh viên cử tuyển ra trường chưa bố trí việc làm. Đây là nguồn nhân lực bị lãng phí và nguyên nhân là do cơ chế chính sách chậm được sửa đổi, đồng thời chính sách tuyển dụng cần phải cụ thể và rõ về sự ưu tiên hơn.

Bà Đỗ Thị Lan, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cũng băn khoăn việc bố trí việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số, không chỉ các sinh viên cử tuyển mà cả những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học cao đẳng vì nếu họ không có việc làm sẽ không hoàn lại được vốn đã vay để đi học. Bộ Nội vụ cần đưa các giải pháp tham mưu với Chính phủ để giải quyết việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số chứ không chỉ là chờ bố trí vào các vị trí công chức và viên chức.

Ông Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị khi sửa đổi nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cần phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và đặc biệt là làm rõ địa phương trong vấn đề đào tạo và có chính sách tuyển dụng các sinh viên đã tốt nghiệp sau tuyển cử.

Giải trình về vấn đề này Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết hiện nay khi tuyển dụng có xét đến ba cấp độ ưu tiên, thứ nhất là các ứng viên cam kết làm việc trong vòng ít nhất năm năm, thứ 2 là ứng viên đã học cử tuyển, thứ 3 là nhà khoa học trẻ, sinh viên xuất sắc và sẽ các sinh viên sẽ cạnh tranh trong nhóm từng nhóm dựa trên các kế hoạch tuyển dụng của tỉnh. Riêng về cử tuyển Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu ban hành Nghị định cũng phải có yêu cầu các tỉnh có kế hoạch phù hợp với từng dân tộc với đặc điểm của địa phương.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ Nội vụ cần có nghiên cứu, đánh giá những tồn tại bất cập hiện nay và đưa ra các giải pháp đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành địa phương trong việc ban hành và triển khai các chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Những nội dung này sẽ được Hội đồng dân tộc tổng hợp để xây dựng báo cáo thẩm tra việc thực hiện các các Nghị quyết của Quốc hội về Giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp thứ X tới đây.

Phan Xanh - Thế Anh