THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÂN ĐỊNH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

25/12/2019

Sáng ngày 25/12, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thực trạng chính sách, pháp luật về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và TS.Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo “Thực trạng chính sách, pháp luật về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi”

Tham dự hội thảo có đại diện Ủy ban Dân tộc; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên & Môi trường và các chuyên gia, nhà khoa học.

Miền núi, vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, dân số khoảng 25 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có trên 13 triệu người, chiếm 14,3% dân số cả nước. Vùng dân tộc thiểu số, miền núi bao gồm trên 22.000 thôn, bản, phum, sóc và hơn 5.000 xã, phường, thị trấn. Địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch; là địa bàn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái.

Với đặc điểm địa lý và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, vùng dân tộc thiểu số, miền núi ở mỗi tỉnh, các khu vực cũng có sự khác nhau. Vì vậy, việc xác định mức độ thuận lợi, khó khăn và các yếu tố đặc thù của các đơn vị hành chính các cấp, đặc biệt tại các huyện, xã, thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, miền núi là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước và xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với địa bàn này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, việc thực hiện phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao thời gian đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể: Việc phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao được triển khai thực hiện 24 năm, nhưng chưa được tổng kết, đánh giá về tính phù hợp và những nội dung, tiêu chí cần bổ sung, sửa đổi; Việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển được thực hiện ổn định theo chu kỳ khoảng 5 năm. Mỗi lần thay đổi tiêu chí diễn ra khá phức tạp; Kết quả phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển chưa được quán triệt, chỉ đạo một cách thống nhất bằng một văn bản có hiệu lực pháp luật cao; Thiếu thống nhất trong cách tiếp cận xây dựng chính sách, trong chỉ đạo, thực hiện phân định, đánh giá mức độ thuận lợi, khó khăn của đơn vị hành chính cấp xã; …. Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp luật về phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi là vô cùng cần thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến nhằm làm rõ một số vấn đề như: sự cần thiết của việc phân định, tính khoa học, mức độ phù hợp của các tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số miền núi theo trình độ phát triển và phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao; những khó khăn, tồn tại, bất cập trong việc thực hiện việc phân định; đề xuất khả năng, lựa chọn cách tiếp cận phù hợp về phân định. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất các hoạt động cụ thể cần triển khai liên quan đến việc phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển; phân định xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao trong giai đoạn tiếp theo.

TS. Phan Văn Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở phân tích thực trạng phân vùng nước ta trong giai đoạn vừa qua, Ths. Nguyễn Văn Tiến , Nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội chỉ ra một số hạn chế như: trong phân vùng kinh tế - xã hội thì yếu tố thị trường chưa được tính toán thể hiện rõ nét; liên kết nội vùng (ở một số vùng) còn yếu, các tỉnh trong vùng thiếu liên kết, tương tác với nhau; một số vùng kinh tế - xã hội có không gian quá lớn, khoảng cách quá dài như vùng Bắc Trung Bộ, vùng Duyên hải miền trung;... Từ đó, nhấn mạnh, việc phân vùng trong giai đoạn tới phải dựa trên cơ sở pháp lý về “vùng” và các nguyên tắc phân vùng, các yếu tố phân vùng được quy định trong Luật quy hoạch có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019.

Cho ý kiến về khái niệm “vùng dân tộc thiểu số”, TS. Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, khái niệm “vùng dân tộc thiểu số” lấy tiêu chí số lượng nhân khẩu dân tộc là chính, có điểm khác với khái niệm về “vùng” như thường gặp. Cơ sở để xác định “vùng dân tộc thiểu số” dựa trên các tiêu chí, trước tiên là vùng đất hoặc địa bàn, tiếp theo là “có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống” và “ổn định thành cộng đồng”. Tiêu chí trên mang tính chất định tính nên khó định dạng trên thực tế. Tiêu chí trên cần được lượng hóa một cách tương đối.

Về tiêu chí phân vùng, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị, phải dựa trên nền bản đồ, đồng thời cụ thể thêm một số tiêu chí về điều kiện tự nhiên; hạ tầng giao thông; điều kiện sản xuất; thổ nhưỡng; ... để xây dựng bộ tiêu chí hoàn thiện.

Kết luận hội thảo, TS.Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại hội thảo. Thông qua ý kiến phát biểu cho thấy, sự thống nhất về mặt quan điểm, cách thức tiếp cận vấn đề. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi là nội dung lớn nhằm đề xuất vấn đề liên quan đến chính sách quản lý; ý kiến tại hội thảo sẽ được Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp thu, nghiên cứu nhằm hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Khung pháp luật về phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” trong thời gian tới./.

Lê Anh

Các bài viết khác