ĐỂ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐƯỢC THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH Y TẾ MỨC CAO HƠN

28/06/2019

Làm thế nào để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách cao về y tế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội "Về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018" với đại diện một số bộ ngành trong đó có Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến, Trưởng đoàn Giám sát chủ trì Hội nghị.

Thảo luận tại Hội nghị về báo cáo của các bộ ngành, các đại biểu trong đoàn giám sát còn nhiều băn khoăn trong việc giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi về các lĩnh vực của các bộ ngành tham dự cuộc họp. Trong đó có nhiều vấn đề nổi bật như việc bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc, vấn đề giáo dục cho trẻ em miền núi, vấn đề xoá nạn mù chữ, các chỉ số tiếp cận thông tin trong đó cần đánh giá hiệu quả của việc cấp không báo chí hay là vấn đề phòng chống mặt trái xã hội và các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch.

Ngoài ra, các nhiều vấn đề về chính sách y tế cũng được các đại biểu quan tâm cho ý kiến từ việc nguồn lực đầu tư cho các trạm y tế xã, các chính sách y tế thôn bản, bảo hiểm y tế.

Toàn cảnh buổi làm việc 

Theo nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương thì hiện nay phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở rất nhiều thôn bản không khám thai định kỳ và không đến trạm y tế để sinh con. Do đặc điểm địa hình nhiều bản xa xôi, khoảng cách từ nhà đến trạm y tế xa, có nhiều nơi lên đến hàng chục km vì vậy họ cứ đẻ ở nhà, thậm chí là đẻ ở ngoài rẫy và cắn rốn bằng các thanh nứa. Bên cạnh đó thì theo phong tục tập quán của một số dân tộc người phụ nữ không cho nam giới đỡ đẻ nên cần phải chú trọng phát triển và đào tạo cô đỡ thôn bản. Ngành cần phải có báo cáo với Chính phủ để tập trung đào tạo cô đỡ thôn bản mà cần phải lấy người ngay tại thôn bản để đạo tạo.

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bày tỏ lo lắng về tính bền vững của các dự án ODA về sức khoẻ sinh sản và đào tạo cô đỡ thôn bản. Cũng như việc thực hiện thông tư liên quan đến gói đẻ sạch, triển khai thực hiện như thế nào và có xã hội hoá hay không?

Trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, các dự án xây dựng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư tài chính cho các gói bảo hiểm y tế nên khi dự án xong thì vẫn đảm bảo tính bền vững. Qua tổng kết của Bộ Y tế cho thấy vai trò quan trọng của cô đỡ thôn bản. Hiện đã có 30% thôn bản khó khăn có cô đỡ thôn bản, khoảng 2600 cô đỡ thôn bản trong 8165  thôn bản khó khăn. Tuy nhiên Ông Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định việc triển khai thực hiện chính sách về sức khoẻ sinh sản ở vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn  do tập tục của người dân tộc miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn đẻ tại nhà, thích tại nhà và không cho nam giới đụng vào trong quá trình đẻ. Hiện tại thì vẫn có các gói đẻ sạch cung cấp bông băng, cồn gạt cho các cô đỡ thôn bản khi người phụ nữ không đẻ tại trạm y tế mà đẻ tại nhà và cung cấp cho người đỡ đẻ sử dụng, miễn phí hoàn toàn cho ngừoi thụ hưởng.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng được nhiều chính sách về bảo hiểm y tế. Cần có những đánh giá cụ thể về việc sử dụng thẻ y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi chỉ tiêu này liên quan đến chất lượng sử dụng dịch vụ y tế và mức thụ hưởng chính sách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Hà Ngọc Chiến phát biểu kết luận Hội nghị 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ cần phải có các giải pháp để tiếp tục triển khai đào tạo và phát huy hiệu quả của cô đỡ thôn bản. Đồng thời cần có số liệu đánh giá cụ thể về các dự án ODA, tăng cường tính bền vững của dự án. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có các số liệu cụ thể về thực tế thụ hưởng các chính sách về y tế thông tuyến  và cần có sự phân tích việc cân đối thu chi của BHYT trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tránh tình trạng tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế trong đồng bào dân tộc thiểu số cao nhưng thụ hưởng chính sách thấp. Mục đích là để đồng bào các dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách về y tế một các thiết thực, đảm bảo an sinh xã hội.

Phan Xanh - Hồng Dũng