Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc Đinh Thị Phương Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cùng các thành viên Hội đồng dân tộc và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Giàng A Chu cho biết, phiên họp nhằm đánh giá kết quả giám sát quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đồng thời cũng góp phần tham gia sửa đổi bổ sung 2 luật: Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học. Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc mong muốn qua giám sát có thể thu thập được những kiến nghị của các địa phương trong cả nước, khẳng định kết quả, làm cơ sở kiến nghị sửa đổi bổ sung luật.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Giàng A Chu phát biểu khai mạc
Báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010-2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, để phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm thông qua nhiều chính sách ưu tiên cho công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ đối với học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên và các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Kết quả là hệ thống trường, lớp phát triển và từng bước hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chất lượng giáo dục có sự chuyển biến, tiến bộ cả về chất lượng đại trà và chất lượng học sinh giỏi; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỷ lệ cao; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng qua mỗi năm, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ trình bày báo cáo
Tuy nhiên, công tác quy hoạch mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn một số bất cập. Có địa phương quy hoạch một cách ồ ạt, việc dồn điểm trường, xóa điểm trường lẻ, thành lập trường phổ thông bán trú được thực hiện khi chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là nơi ăn ở và các điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhìn chung còn thấp so với yêu cầu, chất lượng giáo dục không đảm bảo, một trong những nguyên nhân do thiếu phòng học, các nhà trường không thể tổ chức học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nhà trường.
Chất lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, năng lực sư phạm, khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên là người địa phương và người dân tộc còn thấp. Giáo viên dạy ở vùng cao ít có điều kiện trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ…
Cho ý kiến về Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu cho rằng, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường, lớp cần phải đi trước 1 bước, cần xác định rõ các địa phương quy hoạch mạng lưới trường học dựa vào những tiêu chí nào. Nếu thu gom các trường lẻ thành trường chính, cần phải quan tâm đến các em học sinh, nếu đi xa quá thì không phù hợp. Theo các đại biểu, quy hoạch phải bám theo quy mô dân số, độ tuổi, đặc điểm vùng miền, yêu cầu của mỗi địa phương để dành nguồn kinh phí thoả đáng hơn cho con em vùng sâu vùng xa, không đầu tư dàn trải./.