PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC QUÀNG VĂN HƯƠNG: LÀM RÕ ƯU ĐIỂM, KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN 3 CTMTQG

28/04/2023

Tại cuộc làm việc với Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra vào sáng 28/4, tại Nhà Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Công tác của Đoàn giám sát Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị Bộ Tài chính làm rõ những ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế khi triển khai thực hiện, trách nhiệm của Bộ đến đâu, từ đó có kiến nghị, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả trong thời gian tới.

TỔ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI CHÍNH VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh cuộc làm việc

Cùng dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Uỷ viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát; y viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu - Tổ phó Tổ Công tác; đại diện lãnh đạo các Vụ chuyên môn thuộc Bộ Tài chính; các chuyên gia cùng lãnh đạo, chuyên viên của Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội.

Làm rõ những ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 3 CTMTQG

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, nội dung chính của buổi làm việc nhằm tập trung làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và kiến nghị giải pháp để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo bổ sung việc thực hiện từ sau khi gửi văn bản số 1704/BTC-NSNN ngày 23/02/2023 của Bộ Tài chính. Đồng thời báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ theo Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị Bộ Tài chính làm rõ những ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế khi triển khai thực hiện, trách nhiệm của Bộ đến đâu, từ đó có kiến nghị, đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Ủy viên Đoàn giám sát, Tổ trưởng Tổ Công tác

Báo cáo bổ sung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính nêu rõ kết quả thực hiện việc ban hành quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo dõi, quản lý của Bộ Tài chính, tại Văn bản số 1704/BTC-NSNN ngày 23/02/2023, Bộ Tài chính đã báo cáo chi tiết về tính kịp thời, đầy đủ, sự phù hợp và hiệu lực của các văn bản trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền theo dõi, quản lý của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành 3 Thông tư quản lý kinh phí sự nghiệm thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) và 1 Thông tư quy định về hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, 1 Thông tư quy định mẫu biểu sử dụng trong công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công.

Đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính cũng chỉ rõ khó khăn, vướng mắc các địa phương phản ánh trong quá trình thực hiện các CTMTQG giai đoạn vừa qua đã được tổng hợp tại Công điện số 71/CĐ-TTG ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; trong đó tháo gỡ các nội dung cần sửa đổi các quy định tại 03 Thông tư quản lý kinh phí sự nghiệp thực hiện 3 CTMTQG của Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm

Đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính báo cáo bổ sung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 3/2023 là 2.436 tỷ đồng, đạt khoảng 10% kế hoạch; ước đến hết tháng 4/2023 là 4.927,6 tỷ đồng, đạt khoảng 21% kế hoạch. Trong đó: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đạt 19%; CTMTQG giảm nghèo bền vững đạt 21%; CTMTQG xây dựng nông thôn mới đạt 24%.

Chỉ rõ nguyên nhân kết quả giải ngân vốn chậm, đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện đồng thời cả 3 CTMTQG, trong đó CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là chương trình mới so với giai đoạn 20216-2020, có nội dung phức tạp, được thống nhất từ hơn 100 chính sách dành riêng cho khu vực DTTS&MN, do vậy các chủ Chương trình, chủ nội dung/dự án thành phần cần phải rà soát để đảm bảo việc phân bổ kinh phí không trùng lắp về đối tượng, nhiệm vụ. Vì vậy, đến tháng 6/2022 mới hoàn thành việc giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, CTMTQG giảm nghèo bền vững và đến tháng 9/2022 mới hoàn thành việc giao dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, một số UBND cấp tỉnh còn chậm ban hành các quy định trong tổ chức thực hiện quản lý các CTMTQG theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.

Sớm hoàn thiện Báo cáo, đánh giá toàn diện mức độ, trách nhiệm của Bộ Tài chính

Qua thảo luận, Tổ Công tác của Đoàn giám sát cho rằng, phân bổ ngân sách tuy cơ bản đảm bảo nguyên tắc tài chính, đầu tư, song chưa đáp ứng được nhu cầu, đề xuất vốn, tiến độ phân bổ để các địa phương triển khai thực hiện. Các chính sách hỗ trợ ban hành nhiều, song còn dàn trải, nguồn lực ngân sách có hạn dẫn đến mức hỗ trợ của Nhà nước thấp, không có tác dụng thay đổi nhanh, bền vững, làm giảm tác dụng của chính sách.

Tổ Công tác của Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc

Nhấn mạnh tập trung vào khâu tổ chức thực thi 3 CTMTQG, Tổ Công tác đề nghị Bộ Tài chính làm rõ phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của Bộ Tài chính; cần tìm ra nguyên nhân việc phân bổ vốn tương đối chậm; đánh giá tính khả thi, tính chính xác của các nội dung trong báo cáo. Đồng thời Báo cáo phải chỉ ra những vướng mắc, cơ chế giải quyết vướng mắc, cơ chế phát hiện để xử lý kịp thời các vướng mắc trong triển khai thực hiện; đề nghị rà soát để sửa lại các vấn đề còn mâu thuẫn, chồng chéo; cần hạn chế dẫn chiếu, quy định nào bắt buộc cần dẫn chiếu thì phải dẫn chiếu đầy đủ; làm rõ ưu điểm, nhược điểm của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tổ Công tác đề nghị Bộ Tài chính làm rõ hơn thế nào là giải ngân để có cơ sở nhận xét, đánh giá khi giám sát ở địa phương; đề nghị cân nhắc, đánh giá thêm nguyên nhân giải ngân chậm vốn sự nghiệp và vốn đầu tư. Đồng thời làm rõ hơn về tính phù hợp và những vấn đề còn tồn tại, bất cập, tính toàn diện của báo cáo. Cho rằng hồ sơ, thủ tục thanh toán là khâu ách tắc nhất trong quản lý hiện nay, Tổ Công tác yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ thêm trách nhiệm, những vấn đề cần xử lý và thời gian khi nào hoàn thành; có bản thống nhất 3 CTMTQG, lồng ghép theo nội dung và địa bàn. Bên cạnh đó, đề nghị triển khai sớm việc sửa đổi nội dung, nhìn nhận, đánh giá toàn diện mức độ, trách nhiệm của Bộ.

Đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính đã giải trình làm rõ một số nội dung mà Tổ Công tác quan tâm như về vấn đề nhà ở, vấn đề giao vốn sự nghiệp, vấn đề giải ngân, về lồng ghép 3 CTMTQG, về mức chi chưa phù hợp… Đồng thời cho biết sẽ tổng hợp các nội dung, tiếp thu tất cả các ý kiến của Tổ Công tác và sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính, làm rõ trách nhiệm của Bộ theo thẩm quyền.

Làm rõ từng nội dung giải ngân của 3 CTMTQG

Kết luận cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương nêu rõ, cuộc họp đã hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, chia sẻ để hướng tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc 3 CTMTQG. Các thành viên trong Tổ Công tác và chuyên gia cũng như các Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính đã có những chia sẻ bổ ích.

Các ý kiến trao đổi đều nhận thức được vai trò, ý nghĩa của 3 CTMTQG, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho biết, từ việc triển khai đơn lẻ, đến thời điểm này, việc thực hiện đồng thời 3 CTMTQG còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của Bộ Tài chính rất nặng nề. Tổ Công tác đã ghi nhận kết quả bước đầu của Bộ Tài chính trong việc triển khai thực hiện các CTMTQG, chia sẻ với những khó khăn mà Bộ đang gặp phải, đồng thời các ý kiến đã chỉ ra được những nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhận diện rõ hơn những việc phải làm trong thời gian tới.

Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương kết luận cuộc làm việc

Trong yêu cầu của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị Bộ Tài chính phải bám sát nội dung mà Đoàn giám sát nêu ra, đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

Cuộc làm việc tập trung làm rõ các vấn đề về nhà ở, vấn đề giao vốn sự nghiệp, vấn đề giải ngân, về lồng ghép 3 CTMTQG, về xác định phạm vi áp dụng, địa bàn, thể chế hoá thế nào để thống nhất tiêu chí, phân định rõ ràng… Từ các nhóm vấn đề này, Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị cần hướng đến 3 nội dung: những việc cần tháo gỡ ngay mà Tổ Công tác đã chỉ ra, Bộ Tài chính cần chủ động rà soát lại; những việc thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính cần đề xuất, kiến nghị; những việc thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cần nêu rõ ràng, đề xuất, kiến nghị của địa phương ra sao.

Tổ Công tác cũng đề nghị nhận xét tính phù hợp, từ đó tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chủ động rà soát lại các văn bản, Thông tư ban hành mà tham gia cùng các bộ, việc tiếp thu của các bộ như thế nào. Trên cơ sở ý kiến của Tổ Công tác, đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo với Đoàn giám sát, làm rõ từng nội dung giải ngân của 3 CTMTQG, cung cấp các văn bản trả lời, giải quyết cho các địa phương./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Đại diện các Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính tham dự cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, Đoàn giám sát tập trung vào những vấn đề chính sách, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn hiện nay để giúp địa phương giải quyết, đề nghị Bộ Tài chính làm rõ hơn thế nào là giải ngân để có cơ sở nhận xét, đánh giá khi giám sát ở địa phương.

Tổ Công tác của Đoàn giám sát tham dự cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, cần tập trung vào khâu tổ chức thực thi 3 CTMTQG, làm rõ phạm vi, chức trách, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. 

TS.Bùi Đặng Dũng, chuyên gia độc lập, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội góp ý vào Báo cáo của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ rà soát lại những vấn đề còn mâu thuẫn, chồng chéo.

GS.TS Đỗ Kim Chung, nguyên Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần hạn chế dẫn chiếu, nếu dẫn chiếu thì trích dẫn nguyên bản, quy định nào bắt buộc cần dẫn chiếu thì phải dẫn chiếu đầy đủ.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Minh Tân, thành viên Tổ Công tác của Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo của Bộ chưa làm rõ ưu điểm, nhược điểm của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, đề nghị cần làm rõ hơn nội dung này, đồng thời đề nghị cân nhắc, đánh giá thêm nguyên nhân giải ngân chậm vốn sự nghiệp và vốn đầu tư.

Đại diện Vụ chuyên môn của Bộ Tài chính giải trình làm rõ thêm một số vấn đề Tổ Công tác quan tâm.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác