GIÁM SÁT VIỆC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2016-2021 TRONG LĨNH VỰC Y TẾ, THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

18/03/2022

Sáng ngày 17/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 2016-2021. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry – Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự cuộc làm việc có nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến; các Ủy viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Đoàn Giám sát; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đại diện các vụ, cục, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Qua giám sát thực tiễn, Đoàn Giám sát nhận thấy, trong thời gian qua, mặc dù chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được ban hành nhiều, tương đối phủ kín trên tất cả lĩnh vực, nhưng việc thực hiện kết quả của công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, một số chính sách vẫn còn rời rạc, manh mún, dàn trải, có những chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì vậy đã có tác động rất lớn trong việc thực hiện tổng thể chung về phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc triển khai thực hiện chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa báo cáo tại phiên họp

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng, đưa các nội dung liên quan đến công tác dân tộc, đặc biệt là chính sách về môi trường, sinh thái vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí nguồn lực và phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, đề án về lao động, người có công và xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường không được giao xây dựng văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó, Bộ cũng không được giao xây dựng chương trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, đối với các văn bản ban hành theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trình ban hành văn bản có nội dung liên quan đến công tác dân tộc về lĩnh vực môi trường và lĩnh vực tài nguyên nước. Bộ cũng đã xây dựng và triển khai Đề án Phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phạm vi cả nước, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và nông thôn giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng cao, vùng khan hiếm nước…

Đại diện Bộ Y tế báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế liên quan đến công tác dân tộc trong giai đoạn 2016-2021, đại diện Bộ Y tế nêu rõ, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền ban hành 276 văn bản, về cơ bản các văn bản bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cơ quan, tổ chức và công dân liên quan đến y tế và công tác dân tộc.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ Y tế không ban hành văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc cũng như các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng có nhiều Đề án, chiến lược, chính sách quốc gia có các nội dung liên quan đến triển khai những nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc về dân số, kế hoạch hoá gia đình, sức khoẻ bà mẹ trẻ em và bảo hiểm y tế. Đồng thời tích cực triển khai một số lĩnh vực liên quan đặc biệt đến công tác dân tộc như việc triển khai thực hiện bảo hiểm y tế cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ; chú trọng lồng ghép trong các văn bản, thông tư quy định về các gói y tế cơ sở, trong đó có gói dịch vụ y tế cơ bản đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo để bảo đảm quyền, lợi ích, tăng cường sức khoẻ của người dân tại vùng khó khăn;…Về cơ bản các văn bản bảo đảm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân nói chung, trong đó có đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Bộ Y tế cũng chú trọng lồng ghép trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong một số lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, dân số. Một số nội dung liên quan đến công tác dân tộc bảo đảm được triển khai quán triệt trong quá trình từ xây dựng văn bản đến tổ chức triển khai phổ biến tuyên truyền và phát triển thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ không được giao xây dựng văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật, Pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chính sách ưu tiên về bưu chính cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện chương trình cung cấp viễn thông cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ thuê bao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng viễn thông di động (đối với tượng thụ hưởng nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số), hỗ trợ 13 nghìn hộ dân tộc thiểu số và miền núi có phương tiện nghe và xem nhằm giảm nghèo về thông tin…

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với báo cáo của ba Bộ. Nội dung báo cáo đã đánh giá được kết quả ban hành quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, đồng thời đã nêu được những khó khăn, đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ còn chậm. Ngoài ra, trong báo cáo của Bộ mới chỉ đề cập đến việc đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020, chưa cung cấp thông tin cụ thể về việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết. Thành viên Đoàn Giám sát nhấn mạnh, năm 2018 Bộ mới tham mưu cho Chính phủ ban hành 02 Nghị định quy định chi tiết của Luật Tài nguyên nước 2012, chậm 6 năm sau khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, xét về thời điểm, Luật Tài nguyên nước 2012 không nằm trong giai đoạn giám sát theo yêu cầu của Đoàn Giám sát, nhưng từ đó cho thấy thực trạng của việc chậm ban hành văn quy phạm pháp luật. Do vậy, các đại biểu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của việc chậm ban hành văn bản quy phạm chi tiết đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu tại buổi làm việc

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Y tế, các đại biểu cho rằng, Bộ Y tế chưa chỉ rõ có bao nhiêu điều, khoản, điểm, mục giao cho Bộ trưởng quy định chi tiết và điều, khoản, mục nào đã được và chưa được triển khai... Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế cần đánh giá sâu hơn những nội dung chính sách liên quan đến vệ sinh môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác phòng bệnh, chữa bệnh, tình trạng nhân lực y tế còn thiếu và yếu chưa đáp ứng yêu cầu Đảng, Nhà nước đề ra; nhiều dược liệu quý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được quan tâm phát triển, không phát huy được đội ngũ lương y dân tộc, bài thuốc dân tộc...

Liên quan đến Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Đoàn Giám sát nêu rõ, việc gửi báo cáo của Bộ về Đoàn Giám sát còn chậm, mang tính thụ động, chưa rõ nội dung chính sách của Bộ có tác động như nào đến đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều nội dung có liên quan đến dân tộc thiểu số trong Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Bộ chưa được chỉ ra....Do đó, để nghiêm túc thực hiện kế hoạch của Đoàn Giám sát, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ trong việc tham mưu triển khai thực hiện vấn đề này bổ sung vào báo cáo giám sát; tiếp tục đối chiếu với đề cương yêu cầu của Đoàn Giám sát; đồng thời rà soát, xây dựng báo cáo đánh giá một cách nghiêm túc về việc triển khai công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác dân tộc, làm rõ những nguyên nhân, bất cập để làm rõ trách nhiệm có liên quan.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry - Trưởng Đoàn Giám sát kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry – Trưởng Đoàn Giám sát nêu rõ, Đoàn Giám sát đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế trong việc tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và cụ thể hoá những nội dung quy định trong Luật, các Nghị quyết của Quốc hội để chính sách đi vào thực tiễn.  Báo cáo của ba Bộ cũng chỉ rõ những kết quả trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của các Luật; ban hành các văn bản để tổ chức triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước phụ trách trong thời gian vừa qua và kiến nghị trong thời gian tới, điều đó đã đóng góp cho mục tiêu chung trong việc thực hiện chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Khẳng định khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia để hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung đánh giá tác động của việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các Luật, Nghị định đã được Quốc hội ban hành đối với vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời làm rõ những vướng mắc bất cập, đưa ra những kiến nghị, đề xuất rõ ràng, cụ thể, nêu rõ giải pháp, nội dung cần tháo gỡ, thời hạn hoàn thành khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc. Cùng với đó cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 liên quan đến phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số để công tác này đạt được nhiều hiệu quả thực chất hơn nữa trong thực tiễn.

Nhấn mạnh mục đích của việc giám sát là đánh giá tác động trong thực tiễn của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị ba Bộ có sự chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện và rà soát những nội dung chưa cập nhật theo yêu cầu của Đoàn Giám sát; đồng thời rà soát những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành có phù hợp với thực tiễn hay không; đánh giá tác động, sự ảnh hưởng của những văn bản chưa ban hành, chậm ban hành đối với đồng bào dân tộc thiểu số./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đồng tình với báo cáo của ba Bộ. Nội dung báo cáo đã đánh giá được kết quả ban hành quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, đồng thời đã nêu được những khó khăn, đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu đề nghị Bộ cần nghiêm túc đánh giá sự tác động, ảnh hưởng của việc chậm ban hành văn bản quy phạm chi tiết đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Cho ý kiến về báo cáo của Bộ Y tế, các đại biểu cho rằng, Bộ Y tế chưa chỉ rõ có bao nhiêu điều, khoản, điểm, mục giao cho Bộ trưởng quy định chi tiết và điều, khoản, mục nào đã được và chưa được triển khai...

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế giải trình làm rõ các vấn đề Đoàn Giám sát đặt ra

Minh Thành - Nghĩa Đức

Các bài viết khác