PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG DÂN TỘC MỞ RỘNG, THẨM TRA SƠ BỘ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

08/05/2020

Chiều ngày 08/5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Phiên họp Thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 vào ngày 15/5/2020. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.

Đến dự Phiên họp còn có đại diện các Ủy ban của Quốc hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc và một số Bộ, ngành liên quan cùng các chuyên gia.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: Từ việc xem xét, đánh giá kết quả 03 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2016 - 2018, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14, giao cho Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã  ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để thực hiện từ năm 2021. Đến nay, sau quá trình chuẩn bị, Chính phủ đã hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu gửi đến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để tiến hành các bước thẩm tra theo quy định.  


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Phiên họp. 

Đóng góp ý kiến tại Phiên họp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Yến đánh giá cao sự cần thiết phải xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030. Tuy nhiên, các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình gồm 10 dự án với nhiều tiểu dự án và các hoạt động khác nhau nhưng sự gắn kết giữa mục tiêu, nhiệm vụ và hoạt động trong từng dự án chưa đảm bảo tính logic, sự thống nhất trên cơ sở đó xác định được nguồn lực cần có.

Mặt khác, khối lượng công việc triển khai 10 dự án là rất lớn nên cần cân nhắc đảm bảo nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện được các dự án này trong vòng 10 năm. Bên cạnh đó, để đánh giá kết quả triển khai Chương trình, việc thu thập số liệu thống kê để đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu cũng cần được quan tâm, tránh tình trạng khi báo cáo lại không có số liệu dẫn chứng cụ thể.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Yến nghị Chính phủ cho biết tính chính xác, độ tin cậy về số liệu hiện trạng ở từng dự án là từ nguồn số liệu cuộc điều tra nào năm 2019 và để từ đó đề ra các chỉ tiêu cần đạt đến năm 2025, 2030.

|
Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Yến đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Về đối tượng, định mức, tổng kinh phí đề xuất của chương trình, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Yến thống nhất về đối tượng thụ hưởng của Chương trình đề xuất. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng, định mức, tổng kinh phí đề xuất của Chương trình đòi hỏi Chính phủ phải ban hành tiêu chí phân định đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết 88 đã quy định. Mặc dù theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 10/3/2020, Chính phủ cơ bản thống nhất tiêu chí xác định vùng đồng bào DTTS&MN, phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển thành 3 khu vực và thôn đặc biệt khó khăn nhưng hiện nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa ban hành quyết định các tiêu chí để phân định vùng đồng bào DTTS&MN, là căn cứ pháp luật để Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định các xã theo trình độ phát triển. Vì vậy, địa điểm thực hiện Chương trình chưa xác định được chính xác số lượng địa bàn đặc biệt khó khăn, địa bàn còn khó khăn, địa bàn bước đầu phát triển; tiêu chí để xác định địa bàn của Chương trình chỉ là các chỉ tiêu mang tính định tính. Điều đó dẫn tới định mức, tổng vốn thực hiện Chương trình chưa hoàn toàn chính xác.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Yến đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định các tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển để hoàn thiện Chương trình và thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao. Về tổng vốn thực hiện Chương trình, Chính phủ cần tính toán khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện để bảo đảm tính khả thi, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án theo mức độ cấp thiết, khả năng thực hiện, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư và trong bối cảnh khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

Nêu ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật tán thành với nội dung chủ yếu của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 gồm 10 dự án và các tiểu dự án. Tuy nhiên, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ) đã đề ra mục tiêu cụ thể của chương trình, trong đó có mục tiêu: “Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt, tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường".


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nêu quan điểm tại Phiên họp.

Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đều có đối tượng thụ hưởng là người dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, có dự án 1: Chương trình 30A, gồm Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo có mục tiêu hỗ trợ là tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất dân sinh ở các huyện nghèo.

Dự án 2: Chương trình 135, trong đó có Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Tiểu dự án 3: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Trong khi đó, tại Dự án 4 trong các dự án thành phần của Chương trình cũng có nội dung: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc cũng có những nội dung tương đồng với các dự án thành phần của Chương trình giảm nghèo bền vững. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Hội đồng dân tộc của Quốc hội yêu cầu Chính phủ bổ sung báo cáo rà soát lại phần nào đã làm được và phần nào cần tiếp tục thực hiện trong Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Về kinh phí thực hiện chương trình (Điều 5), cơ bản, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất kinh phí thực hiện Chương trình của Chính phủ và lưu ý việc huy động vốn ODA, huy động vốn vay tín dụng tru đãi... phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công và các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Tờ trình số 185 của Chính phủ và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia số 186/BC-CP ngày 04/5/2020 của Chính phủ đã tự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, theo đó, giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỷ đồng; giai đoạn 2006-2030 là 134.270,70 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025 đã được dự kiến khái quát các mục chi, nhưng giai đoạn 2026-2030 chưa được Chính phủ dự kiến khái quát các mục chi. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nội dung này. Ngoài ra, đề nghị bổ sung điều, khoản quy định “Hiệu lực thi hành” của Nghị quyết cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Toàn cảnh Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng thẩm tra sơ bộ Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định: Chương trình có nguồn lực đầu tư rất lớn nhưng trước khi được Quốc hội thông qua, các Bộ ngành cần làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý để chương trình được thực hiện hiệu quả. Khi thực hiện  nên tiếp tục triển khai các mục tiêu ở chương trình quốc gia về nông thôn, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các thôn bản. Trong đó chú trọng việc giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn. Để thực hiện tốt Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất cần sự hợp tác, đồng thuận, chia sẻ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao ý kiến thảo luận, đóng góp của các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ ngành, đại diện của các địa phương, các chuyên gia cho Chương trình. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, hồ sơ của Chương trình được chuẩn bị tương đối công phu, chất lượng. Tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan của Chính phủ cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị để Chương trình không có sự chồng chéo, trùng lắp với các Chương trình Mục tiêu quốc gia khác. Để thực hiện tốt Chương trình thì phải ưu tiên nguồn lực, tập trung vào các vấn đề bức xúc, cấp thiết của người dân như đất ở, cấp nước sạch... gắn với từng giai đoạn, lộ trình. Những chính sách nào cần tiếp tục phát huy và những chính sách nào cần phải được gỡ bỏ thì cũng cần được xem xét kỹ. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù với một số dự án, tiểu dự án. Một số chỉ tiêu, số liệu cần được rà soát, điều chỉnh cho chính xác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, có sự điều chỉnh phù hợp để Thường trực Hội đồng Dân tộc có được nhiều thông tin, tư liệu quan trọng, quý giá tổng hợp, xây dựng Báo cáo thẩm tra có chất lượng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp 45; trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới./.

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Các bài viết khác