Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, là một trong các huyện nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ, gần 95% dân số là người dân tộc thiểu số. Toàn huyện có 14 xã thuộc xã khu vực III, chương trình 135, 1 xã và thị trấn khu vực II, 113 bản đặc biệtj khó khăn thuộc các xã khu vực II, III. Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Yên, việc thực hiện chính sách, pháp luật chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018 trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu qủa tích cực, nhiều sản phẩm của Bắc Yên đã và đang xây dựng được thương hiệu trên thị trường; một số mô hình chăn nuôi gắn với trồng trọt đã dần hình thành; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4%/ năm… Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn còn nhiều, nhiều văn bản còn chậm và chưa chủ động; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn hạn chế, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; ngân sách địa phương bố trí cân đối còn thấp, kết quả huy động nguồn vốn xã hội hoá còn hạn chế….
Đoàn Giám sát đã tập trung làm rõ một số vấn đề về chính sách cũng như việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững. Các chính sách về giảm nghèo còn điểm gì bất cập? Các Bộ ngành tổ chức thực hiện thế nào, lồng ghép, tổ chức chỉ đạo ở cơ sở có vấn đề gì? Làm thế nào phát huy tính sáng tạo của người dân? Cơ sở hạ tầng đáp ứng như ra sao, khả năng chống chịu của các công trình hạ tầng cơ sở thế nào? Nguồn lực đáp ứng được đến đâu? Tại sao nguồn vốn bố trí ít đi nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm nhanh? Cách làm như thế nào để tỷ lệ tái nghèo thấp? Các kiến nghị cụ thể về những khó khăn bất cập hiện nay ra sao?
Qua báo cáo giải trình của lãnh đạo các cấp cho thấy: Mặc dù vẫn còn một số khó khăn trong công tác tuyên truyền chính sách, việc đưa lao động đi xuất khẩu nước ngoài, nguồn vốn đối ứng của địa phương còn ít, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao... Tuy nhiên, kết quả giam nghèo của huyện Bắc Yên đã thu được những kết quả rất quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và khá bền vững. Huyện đã có cách làm làm bài bản, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp, quan tâm lồng ghép nguồn lực xã hội, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản qua đó mức độ tiếp cận dịch vụ cơ bản thay đổi, nâng lên tỷ lệ thoát nghèo hàng năm cao, áp dụng khoa học công nghệ vào công tác xây dựng thương hiệu, sản xuất giống cây trồng. Đặc biệt là việc nắm rõ từng địa chỉ hộ nghèo với các tiêu chí còn thiếu một cách cụ thể sẽ giúp huyện có phương án phù hợp cho từng hộ để giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo. Đây là những bài học kinh nghiệm quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Ông Lưu Minh Quân - Bí thư Huyện uỷ Bắc Yên, tỉnh Sơn La tin tưởng rằng với cách vận hành theo hướng tinh gọn và tập trung vào vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện sẽ vẫn đạt được những hiệu quả cao bởi khi đặt mục tiêu giảm hộ nghèo, Huyện đã phân công cụ thể cho từng cán bộ nắm rõ từng đối tượng hộ nghèo, xác định rõ hộ nào cần bổ sung nguồn vốn, hộ nào cần nguồn điện, hộ nào cần xoá nhà tạm, hộ nào thì cần bổ sung các tiêu chí khác, từ đó sẽ có phương án cụ thể để lồng ghép vào các dự án trên địa bàn. Đồng thời, Huyện cũng huy động nguồn lực xã hội hoá nhưng tập trung cụ thể vào từng mục tiêu cụ thể trong công tác giảm nghèo bền vững.
Trưởng đoàn Giám sát Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững cũng như cách làm sáng tạo của các cấp lãnh đạo huyện Bắc Yên, đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện bổ sung một số số liệu và hoàn thiện báo cáo Đoàn giám sát, đồng thời tiếp thu các kiến nghị, đề xuất đối với Đoàn Giám sát về các vấn đề như: Nâng khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; quan tâm chính sách đối với hộ cận nghèo; không nên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, cận nghèo bởi việc làm này có thể dẫn đến tư tưởng trông chờ ỷ lại, điều quan trọng hơn là cần phải phát huy nội lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; Một số chính sách không phù hợp phải điều chỉnh ví dụ như chính sách về xuất khẩu lao động; hay việc đầu tư manh mún nhỏ giọt và điều quan trọng là phải tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối trong công tác giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đoàn cũng tiếp thu kiến nghị là cần bổ sung vào danh mục báo cáo các số liệu thống kê về công tác dân tộc miền núi, ngân sách nhà nước hàng năm cho công tác dân tộc, miền núi cũng như công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc miền núi để theo dõi và đánh giá.
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Mai Sơn
Buổi chiều, Đoàn Giám sát làm việc tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Đây là huyện miền núi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Với số hộ dân tộc thiểu số là 27.220 hộ chiếm tỷ lệ 72,06%. Số hộ nghèo trên toàn huyện năm 2018 là gần 7000 hộ, chiếm 18,49%, Số hộ cận nghèo là hưn 2.500 huyện, chiếm 6,74% tổng số hộ trên toàn huyện. Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3%/năm. Đặc biệt có xã vùng 3 giảm trên 10%, tỷ lệ tái nghèo thấp. Tuy nhiên lãnh đạo huyện cũng thừa nhận, công tác tuyên truyền chính sách chưa được thường xuyên, liên tục; nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, phân tán; chưa phát huy được sức mạnh trong dân; kết quả giảm nghèo còn chưa vững chắc, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Một trong những nguyên nhân là do Mai Sơn có địa hình hiểm trở, mật độ dân cư thưa thớt nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn gặp khó khăn. Đây là vấn đề không chỉ sự cố gắng của huyện mà cần sự hỗ trợ của trung ương.
Qua thảo luận giữa các thành viên Đoàn giám sát với các cấp lãnh đạo huyện, Đoàn giám sát đánh giá cao cách làm sáng tạo và đổi mới của huyện. Tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của huyện, Trưởng Đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến đề nghị Huyện bổ sung các nội dung báo cáo, làm rõ thêm nhiều vấn đề, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các kiến nghị để tháo gỡ những khó khăn hiện nay.
Ông Hà Ngọc Chiến khẳng định, những kiến nghị, đề xuất gửi tới Đoàn giám sát của huyện Bắc Yên và Mai Sơn sẽ được nghiên cứu, thảo luận thông qua các hội nghị giải trình, hội thảo và đưa ra kết luận để đưa vào báo cáo giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc, thiểu số miền núi giai đoạn 2012-2018" trình Quốc hội./.