Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách xem xét báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

02/03/2007

Tiếp tục phiên họp toàn thể, sáng 28.2, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đã xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua một năm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và 7 tháng tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhận thức và ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có sự chuyển biến rõ rệt. Bước đầu đã tiết kiệm khoảng 267,1 tỷ đồng trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; Hạn chế tình trạng trang bị xe ô tô không đúng tiêu chuẩn, mua xe vượt giá không đúng quy định. Nhiều địa phương đã chủ động giảm bớt số lượng dự án khởi công mới, tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, dự án hoàn thành. Năm 2006, hệ thống kho bạc nhà nước đã từ chối thanh toán trên 527 tỷ đồng chi ngân sách không đủ điều kiện, không đúng chế độ quy định; Một số tổng công ty, công ty nhà nước đã tiết kiệm khoảng 1.997,8 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh.

Năm 2007, Chính phủ sẽ triển khai ráo riết thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Thực hiện thí điểm cơ chế khoán phương tiện đi lại; Xây dựng và công khai quy chế nội bộ về mua sắm, quản lý, trang bị, sử dụng tài sản; Rà soát các dự án đầu tư xây dựng, diện tích đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ theo định mức, tiêu chuẩn; Soát xét lại quy hoạch, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên…

Tại phiên họp, các ĐB cho rằng: Báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, cải cách hành chính, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thời gian lao động, sản xuất, sử dụng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, hiệu quả chi ngân sách... Bởi nguyên nhân sâu xa của tình trạng lãng phí là do chưa giải quyết được tận gốc về cách thức tổ chức bộ máy cho phù hợp; Cần có cơ chế giám sát, quản lý, phối hợp hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, đơn vị, giữa trung ương với địa phương; Thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, thiếu tinh gọn, chưa nêu cao trách nhiệm của người có thẩm quyền... Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và gắn với trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người. Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2007 cần tập trung vào việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiền và tài sản của Nhà nước.

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)