Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống
Chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu một số giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống lãng phí:
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”…
Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công…
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: (i) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. (ii) Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. (iii) Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hoá quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. (iv) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới…
Thứ tư, xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”…
Chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa
Nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện rất rõ tầm quan trọng tăng cường thực hiện chống lãng phí để tạo ra các nguồn lực của xã hội. Bởi lãng phí xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, do vậy chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa…
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định, tham nhũng là làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội. Như vậy, lãng phí là phạm trù rất rộng, bao trùm cả tham nhũng, vì vậy Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hàng năm Quốc hội đều yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện luật này. Đại biểu cho rằng, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện rất rõ tầm quan trọng của việc cần tăng cường thực hiện chống lãng phí để tạo ra các nguồn lực của xã hội.
Đại biểu phân tích, lãng phí xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, có thể ở cơ quan, tổ chức, kể cả người dân; như vậy chống lãng phí trở thành hành động phổ quát, xuyên suốt, có thể được quy định bằng pháp luật, nhưng quan trọng hơn chống lãng phí phải trở thành ý thức, thói quen, văn hóa trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, mặc dù đã có Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí nhưng việc thực thi trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, vẫn còn nhiều tài sản, nguồn lực của xã hội đang lãng phí. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhận thức về chỉ đạo hành động, vì vậy nếu có Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về vấn đề này sẽ tăng cường nhận thức, vai trò, trách nhiệm, cùng với thực thi Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí, công tác này sẽ nghiêm túc và hiệu quả hơn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư đã nêu lên các hình thức lãng phí, như chất lượng xây dựng pháp luật, lãng phí thời gian, công sức vì những thủ tục hành chính rườm rà, lãng phí về cơ hội phát triển, lãng phí về việc cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, lãng phí về tài nguyên thiên nhiên, về tài sản công, lãng phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng cũng diễn ra phổ biến.
Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến bốn nhóm giải pháp cơ bản, trong đó có giải pháp liên quan đến nhận thức; hoàn thiện thể chế, xử lý vi phạm; giải pháp liên quan đến khắc phục những nguyên nhân của lãng phí và xây dựng văn hóa chống lãng phí.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, giải pháp chống lãng phí thời gian tới nếu chỉ tập trung vào hoàn thiện thể chế là chưa đầy đủ. Thực tế hiện nay, có những lãng phí không do hệ thống pháp luật mà trong nhiều trường hợp do cách thức tổ chức thực thi chưa tốt. Tuy vậy, thể chế tiếp tục cần hoàn thiện vì rất nhiều điểm nghẽn về thể chế, là nút thắt của những nút thắt, nếu không giải phóng, khơi thông được thể chế sẽ vẫn dẫn đến lãng phí, nhất là rào cản về thủ tục hành chính.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, bài viết đã chỉ ra những dạng thức của lãng phí trong thời gian qua; có những lãng phí hiện hữu ngay trước mắt, mà không cần phải khảo sát hay nghiên cứu, vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm hay không.
Đại biểu lấy ví dụ lãng phí trong ngành giáo dục. Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu cho biết, cử tri đánh giá rất cao ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới để thực hiện cải cách giáo dục, nhưng cử tri cũng phản ánh vấn đề lãng phí sách giáo khoa. Cụ thể, ngay tại một quận hoặc một huyện, việc lựa chọn sách giáo khoa được giao cho hiệu trưởng quyết định, thậm chí trường chọn kết hợp cả hai bộ sách khác nhau của các nhà xuất bản khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn cho phụ huynh khi mua sách giáo khoa, mà còn gây lãng phí, bởi hai anh em ruột trong một gia đình sẽ không thể dùng lại sách của nhau do học ở các trường, các quận khác nhau. Đại biểu khẳng định, chủ trương cải cách giáo dục là rất đúng, rất cần thiết, nhưng phải cải cách giáo dục sao cho tránh lãng phí và tận dụng được sách giáo khoa cũ.
Đại biểu bày tỏ vui mừng, bởi sau bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đã đổi tên và bổ sung ngay nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Đại biểu cũng mong muốn đồng chí Tổng Bí thư sẽ chỉ đạo đối với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí để chọn đúng, trúng những vấn đề về lãng phí để chỉ đạo triển khai làm quyết liệt, để có tác dụng cảnh tỉnh tất cả các lĩnh vực.
Đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm phòng, chống lãng phí, trên tinh thần bài viết của Tổng Bí thư, đại biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần tiến hành một cuộc tổng rà soát đối với một, hai lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư công, quản lý tài sản công. Nêu thực tế, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra đã phát hiện nhiều dự án sai phạm và phải tạm dừng triển khai, đại biểu đề nghị công tác thanh tra, kiểm tra, xét xử tập trung giải quyết sớm và dứt điểm để tránh lãng phí nguồn lực đất đai tại các công trình, dự án đang tạm dừng.
Ngoài ra, đại biểu Trần Quang Minh cũng cho biết, việc đào tạo, sử dụng nguồn lao động và việc lãng phí nguồn nhân lực cũng là bài toán khó, chưa được giải quyết phù hợp. Tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm, hoặc làm trái ngành nghề đào tạo rất lớn, nhất là, gần đây có nhiều đề án về đào tạo nguồn nhân lực, trong đó trọng tâm là ngành vi mạch, bán dẫn, với mục tiêu đào tạo được 50.000 nhân lực vào năm 2030, nhưng đầu ra của nguồn nhân lực này chưa rõ ràng.