Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đã có Phiếu chất vấn số 43/PCVK8- GS gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tại Phiếu chất vấn, đại biểu nêu rõ, việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp đã triển khai để tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024, đặc biệt là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Cũng tại Phiếu chất vấn, đại biểu cho biết, tình hình bão, lũ vừa qua, trong đó nhiều vụ sạt lở đất đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp nghiên cứu, thẳm dò, dự báo tình hình có thể sạt lở đất cho đồng bào miền núi khi xảy ra mưa lũ kéo dài nhiều ngày.
Đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Triểu khai thi hành Luật Đất đai năm 2024
Trả lời chất vấn của đại biểu Hà Phước Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, ngay sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều giải pháp để tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 254/BC-BTNMT ngày 19/10/2024 gửi tới các vị Đại biểu Quốc hội, cụ thể như sau:
Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các cơ quan trong từng nội dung công việc của Kế hoạch, tiến độ cụ thể để thuận tiện cho quá trình tổ chức thực hiện; đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai nói chung và xây dựng các văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nói riêng.
Tổ chức tuyền truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật với nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng như: phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến trực tiếp, trực tuyến đến cấp xã; tổ chức thi tìm hiểu Luật Đất đai (tại cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương phát động, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những tỉnh, thành phố có số lượng lớn người tham gia cuộc thi và có nhiều người đạt giải cao).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy
Quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai, đặc biệt là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như sau: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành theo thẩm quyền đã ban đầy đủ 10 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư được Luật giao; Các địa phương theo thẩm quyền đã rất nỗ lực trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành 20 nội dung được Luật giao;...
Với các kết quả đã đạt được cho thấy việc tổ chức thi hành Luật Đất đai đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện để sớm đưa các chính sách mới của Luật Đất đai đi vào cuộc sống, phát huy, giải phóng được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc một số địa phương phản ánh có khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện, không phải do các quy định mới của Luật.
Nâng cao chất lượng công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Về giải pháp nghiên cứu, thẳm dò, dự báo tình hình có thể sạt lở đất cho đồng bào miền núi khi xảy ra mưa lũ kéo dài nhiều ngày, Bộ trưởng cho biết: Trong những năm gần đây, lũ quét, sạt lở đất ngày ngày càng diễn biến phức tạp, tần suất xảy ra nhiều hơn, phạm vi mở rộng hơn. Để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện một số nội dung công việc sau:
Thứ nhất, xây dựng chuyển giao các Bản đồ phân vùng nguy cơ và phân vùng rủi ro lũ quét, sạt lở đất tỷ lệ 1/50.0000 cho các địa phương phục vụ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, phối hợp với Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Hoa Kỳ xây dựng, vận hành hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất cho Việt Nam”; Xây dựng và cung cấp bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã theo thời gian thực, trực tuyến tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/.
Thứ ba, xây dựng các tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết t nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét và các kỹ năng ứng phó.
Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động đã triển khai, công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện nay vẫn còn những khó khăn, hạn chế như sau: Chưa có một mạng lưới trạm quan trắc đo mưa tại các khu vực vùng núi, đủ dày và được tự động hóa; Đối với lũ nghẽn dòng, lũ bùn đá, sạt lở đất chưa có khả năng theo dõi, quan trắc, giám sát và dự báo; Công nghệ cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, lũ bùn đá còn hạn chế về mặt khoa học, kỹ thuật và công nghệ kể cả các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho hệ thống theo dõi, giám sát, trang thiết bị, công nghệ cảnh báo thiên tai, lũ quét, sạt lở đất và xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế.
Về giải pháp, Bộ trưởng nêu rõ, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp sau: Đầu tư tăng dầy số lượng điểm đo mưa tự động đồng bộ, hiện đại theo Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn cho các vùng trống số liệu, vùng thường xuyên chịu tác động của mưa lớn, lũ quét, trượt lở đất đá. Tập trung nâng cao chất lượng, mức độ chi tiết các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét, truyền tải thông tin đa dạng trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tại mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, bước đầu cung cấp các bản đồ phân vùng thiên tai phục vụ lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương.
Triển khai thực hiện Đề án cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất trong đó trọng tâm thực hiện điều tra khảo sát tình hình ngập lụt và hiện tượng trượt, sạt là đất đá: khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để cảnh báo. Với dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ làm thí điểm cho một số khu vực và hướng dẫn cho các địa phương để triển khai cho các khu vực còn lại của các tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Chính phủ xây dựng Chương trình tổng thể về phòng chống lũ quét, sạt lở đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các khu vực miền núi, trung du Việt Nam./.