Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống

06/11/2024

Ngày 5/11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, trong đó yêu cầu: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống… Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp ngay từ Kỳ họp thứ 8, theo đó chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc để mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục xây dựng bộ máy nhà nước đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”

Ngày 05/11/2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” trong đó nêu các giải pháp nhằm khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Một trong ba nhiệm vụ trọng tâm được Tổng Bí thư đề cập là: Tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết, trong đó nhấn mạnh cần tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” 

Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ yêu cầu: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.

Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

Phân cấp, phân quyền “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”

Chia sẻ về chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, các đại biểu cho rằng, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ theo hướng địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", cùng với đó tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, tư duy xây dựng pháp luật đã thể hiện rõ ngày từ đầu nhiệm kỳ tại Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Kết luận 19-KL/TW đã khẳng định tinh thần không xây dựng luật khung, luật ống.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

“Nếu xây dựng luật khung thì các điều khoản quá rộng, chung chung và không áp dụng được trong thực tế; còn nếu xây dựng luật ống thì xây dựng quá chi tiết, tất cả quy định của ngành đưa vào luật, từ đó diễn giải thành nghị định, thông tư. Như vậy dễ cho ngành này và gây khó khăn cho ngành khác, tư duy đó là tư duy của thông tư và nghị định theo đuôi trọng luật”, đại biểu Nguyễn Quang Huân khẳng định.

Lấy ví dụ về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, tại Điều 10 về kế hoạch phát triển lưới điện, nguồn điện ở địa phương, nếu đưa chi tiết tại địa phương là không phù hợp, bởi nội dung này nên quy định tại thông tư. Nếu đưa vào luật sẽ rơi vào tình trạng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói là đưa nội dung thông tư vào luật. Tương tự, tại dự thảo Luật Hóa chất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 cũng đưa các quy định thuộc nghị định và thông tư vào luật.

Để thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần thay đổi từ cơ quan soạn thảo, rà soát những nội dung nào có trong nghị định, thông tư không đưa vào luật. Khi soạn thảo dự án luật, cần bám sát Kết luận 19-KL/TW, không xây dựng luật khung, luật ống. Tiếp đó, vai trò của cơ quan thẩm tra là Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi phù hợp với chủ trương mới, để khắc phục tình trạng luật quá dài như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất rõ quy trình xây dựng văn bản pháp luật. Thời gian qua nhiều đại biểu, chuyên gia cũng phản ánh các luật hiện nay dài dòng và nhiều nội dung đã quy định trong nghị định, nhưng hiệu quả thực thi không cao. Đại biểu cho rằng, những chỉ đạo cụ thể của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 đã cho thấy sự cần thiết phải tiến hành đồng bộ từ trên xuống dưới.

Đại biểu cũng tin tưởng, công tác xây dựng pháp luật sẽ thay đổi tích cực trong thời gian tới. Bởi Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng khẳng định, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, việc tháo điểm nghẽn thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông tất cả các điểm nghẽn khác; nếu không doanh nghiệp và người dân sẽ vẫn lúng túng trong vòng luẩn quẩn thể chế. Vì vậy, xây dựng pháp luật cần rõ ràng, mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, không đưa thông tư, nghị định vào luật và cũng không viết chung chung theo kiểu nghị quyết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh khẳng định, công tác xây dựng pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm là phù hợp. Cùng với đó trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần nghiêm minh trong xử lý những trường hợp sai phạm - điều này tạo sự răn đe, bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án đầu tư. Theo đại biểu, thời gian tới cần tiếp tục cải cách thể chế, phản ánh những yêu cầu cấp thiết thực tiễn, bổ sung vào hệ thống luật pháp để huy động được nguồn lực phát triển đất nước.

Cùng quan điểm trên,  đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, phải kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" như Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu. Theo đó, phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Cùng với đó, năm 2025, Quốc hội và Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm đó là rà soát, phát hiện những điểm nghẽn và tháo gỡ những điểm nghẽn này, từ đó có cơ sở pháp lý, có công cụ pháp lý để chúng ta thực hiện, tháo gỡ được trên thực tiễn.

Đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Nêu thực tế còn tình trạng luật được ban hành, có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian ban hành, sửa đổi một luật mất thời gian, còn phải chờ thêm các văn bản hướng dẫn sẽ kéo dài thời gian luật đi vào cuộc sống; hơn nữa “tuổi thọ” nhiều luật còn ngắn do sự phát triển của xã hội, phát sinh những vấn đề mới, nhưng một phần do dự báo và tầm nhìn trong công tác xây dựng pháp luật chưa đáp ứng.

Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan được giao xây dựng các dự thảo luật và trách nhiệm của các cơ quan triển khai và thực thi luật. Bởi, luật có đi vào được cuộc sống được hay không là những đơn vị tổ chức thực hiện luật nghiêm túc, để có sự cộng hưởng giúp tuổi thọ của luật kéo dài hơn.

Trước yêu cầu đổi mới công tác xây dựng pháp luật đặt ra yêu cầu tiếp tục đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ. Qua theo dõi tại địa phương, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, khi chuẩn bị xây dựng luật, cơ quan xây dựng luật và cơ quan thi hành luật cần có sự thống nhất, đồng hành để các dự án luật được thực hiện và đi vào cuộc sống. Thực tế thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh cũng đồng hành để các cơ chế, chính sách được thực hiện và đi vào cuộc sống; Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân Thành phố luôn sát cánh cùng với nhau, thậm chí có những vấn đề cùng nhau họp bàn, phân tích để khi trình ra Hội đồng nhân dân có chất lượng nhất và được sự đồng tình cao nhất.

Lan Hương