Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Đối với nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu, dự luật cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu. Cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu
Dự luật bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù về lựa chọn nhà thầu mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được quy định tại Luật này.
Bên cạnh đó, dự luật cũng sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Sửa đổi quy định về chỉ định thầu, căn cứ lập kế hoạch nhà thầu để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật về quy hoạch và dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, dự luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng trong quá trình tham dự thầu (như bổ sung quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu; rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn; sửa đổi quy định về phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, thương thảo hợp đồng; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, mua sắm phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị sự nghiệp công lập).
Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Quan tâm đến việc sửa đổi luật này, đại biểu Nguyễn Phi Thường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, đã đến lúc cần xem xét một cách tổng thể để sửa đổi một cách toàn diện Luật Đấu thầu. Hơn một năm kể từ ngày được Quốc hội thông qua và qua thực tiễn 8 tháng thi hành Luật Đấu thầu năm 2023, có thể thấy quy trình, thủ tục đấu thầu mặc dù đã được cải cách mạnh mẽ nhưng cần tiếp tục xem xét, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa thủ tục hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn. Đại biểu nhấn mạnh, việc đảm bảo đấu thầu hiệu quả, công bằng, công khai, cân bằng giữa yếu tố giá và yếu tố chất lượng sản phẩm là những vấn đề mà lần sửa đổi này chúng ta cần phải đạt được.
Góp ý chi tiết vào việc sửa đổi luật này, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng tài sản công cũng như các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên được áp dụng như đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Đại biểu cho biết, từ thực tiễn triển khai áp dụng Luật Đấu thầu 2023 thời gian qua, toàn bộ các gói thầu thuộc dự án, công trình cải tạo, sửa chữa và các gói thầu tư vấn sử dụng nguồn chi thường xuyên có giá trị trên 100 triệu đồng đều phải thực hiện tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Điều đó làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, gói thầu. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải, có nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý được xác định là tài sản công, cần phải tổ chức thực hiện cải tạo, sửa chữa kịp thời. Tiêu biểu như xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông, liên quan đến an toàn của người tham gia giao thông hay công tác xử lý ùn tắc giao thông mang tính cấp bách. Tuy nhiên, do phải đấu thầu đầy đủ các bước, quy trình, dẫn đến kéo dài thời gian. Riêng đối với việc đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn đã kéo dài thêm khoảng 45-60 ngày, điều này ảnh hưởng lớn đến tổ chức thực hiện dự án và đưa vào khai thác, vận hành.
Đại biểu Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Cũng quan tâm về việc sửa đổi Luật Đấu thầu trong dự án 1 luật sửa 4 luật, đại biểu Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, tại khoản 12 Điều 4 dự thảo Luật quy định việc sửa đổi và bổ sung Điều 42 của Luật Đấu thầu, cần tiếp tục rà soát khoản 2 Điều 42 luật hiện hành để có phương án sửa đổi phản ánh đúng tính chất việc hình thành gói thầu trước khi dự án được phê duyệt. Ví dụ, lập quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án trước khi được phê duyệt có được không? Dự án được phê duyệt là phê duyệt chủ trương đầu tư hay phê duyệt dự án? Vì nếu phê duyệt dự án thì các công việc như: lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư… đã được thực hiện trước khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đồng thời, khoản 5 Điều 42 quy định chủ trương đầu tư, hủy thầu và không phải bồi thường chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu. Tuy nhiên để tham dự thầu, nhà thầu phải bỏ ra khoản chi phí để xây dựng hồ sơ thầu. Trong trường hợp này, hủy thầu không do lỗi của nhà thầu thì việc không được bồi thường hoặc ít nhất là phải chia sẻ kinh phí khiến cho quyền lợi của nhà thầu không được bảo đảm.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, dự thảo luật chưa có quy định để xử lý các chi phí phát sinh của chủ đầu tư và khi thực hiện đấu thầu trước mà dự án không được phê duyệt hoặc là Điều ước quốc tế thỏa thuận vay nước ngoài mà không được ký kết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bổ sung quy định này.
Phân tích chuyên sâu về công tác đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng ở nước ta, TS. Cao Văn Hóa, Trường Đại học Kiến trúc Tp.HCM chỉ rõ, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, giá chào thầu dự toán là giá bình quân chưa quan tâm đến biện pháp thi công thực tế. Ngày nay với công nghệ, thiết bị xây dựng phát triển mạnh mẽ, giá dự toán bình quân cho nhiều công việc trở nên quá lạc hậu. Mặt khác định mức dự toán nhà nước được các đơn vị tư vấn sử dụng để lập dự toán chưa cập nhật kịp thời các công nghệ mới. Trong thực tế xây dựng hiện nay rất nhiều nhà thầu trong và ngoài nước luôn luôn đổi mới và cập nhật công nghệ tiên tiến ngang với mặt bằng công nghệ của thế giới.
Hoàn thiện pháp luật về đấu thầu là yêu cầu cấp bách để đáp ứng yêu cầu phát triển (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố khiến công tác đấu thầu chưa đạt hiệu quả đó là, tại nhiều đơn vị chưa có sự thống nhất quản lý giữa các cá nhân lập biện pháp thi công và lập dự toán; chưa có phân tích giá thầu bằng các số liệu thống kê trong quá khứ về năng lực cạnh tranh của đơn vị mình cũng như so sánh với các đối thủ khác nhau khi đấu thầu để đưa ra chiến lược giá phù hợp. Thực trạng đấu thầu cho thấy, có những công ty lớn thường áp dụng chiến lược cạnh tranh nhất quán, và có các công ty (thường là nhỏ) lại áp dụng chiến lược không nhất quán. Nhìn chung, dường như các nhà thầu chỉ áp dụng các giải pháp tài chính và sử dụng hệ thống cung ứng sẵn có của mình để xây dựng giá dự thầu. Họ ít quan tâm đến giá của đối thủ của mình để đưa ra giá thầu tối ưu.
Từ phân tích trên, TS. Cao Văn Hóa cho rằng, để thực tiễn công tác đấu thầu đạt hiệu quả cao, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, công tác đào tạo nâng cao năng lực cá nhân bên mời thầu, bên dự thầu về các khía cạnh công nghệ - thiết bị, tài chính cũng phải chú trọng.