Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt, bám sát các yêu cầu của Đảng, Quốc hội, đổi mới phương thức thực hiện, phát huy các ưu điểm và khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tuy nhiên, theo các đại biểu vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hoặc quy định không rõ ràng, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Theo đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, vừa qua Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật ở trên rất nhiều bình diện và đã trình Quốc hội với rất nhiều các dự án luật sửa đổi cũng như các dự án Luật xây dựng mới để đảm bảo hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng pháp luật còn một số hạn chế như chậm ban hành các văn bản để hướng dẫn thi hành. “Việc chậm ban hành các văn bản thi hành luật, Nghị quyết của Quốc hội (ví dụ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, Luật đất đai, Thực hiện các Nghị quyết của các chương trình mục tiêu quốc gia…) cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc sớm đưa luật vào thực tiễn, gây khó khăn cho thực hiện của địa phương, doanh nghiệp và người dân.”, đại biểu nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị Chính phủ cần quyết liệt, cương quyết hơn trong việc bảo đảm trình tự, thủ tục ban hành văn bản pháp luật, để hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay Quốc hội đã thông qua số lượng rất lớn các luật, nghị quyết với 43 luật, hơn 60 nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 45 nghị quyết, 3 pháp lệnh; cùng với đó, công tác thi hành pháp luật được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được quan tâm chỉ đạo ở các khâu để nâng cao chất lượng văn bản và đưa các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết vào cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong tổ chức thực thi pháp luật, hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, hoàn chỉnh và còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết. “Chính phủ phải có biện pháp chỉ đạo rốt ráo, luật được triển khai, có hiệu lực thi hành mà từ đầu khóa đến nay chưa có văn bản hướng dẫn và cũng chưa rõ là bao giờ được ban hành. Đề nghị Chính phủ phải xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp căn cơ, khả thi để khắc phục triệt để tình trạng này…”, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị.
Cũng theo đại biểu, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã phát hiện chồng chéo, vướng mắc; công tác sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để khắc phục đã triển khai rất tích cực nhưng nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành vẫn tiếp tục được đề xuất sửa đổi, bổ sung; thậm chí là sửa đổi, bổ sung nhiều lần ở nhiều luật khác nhau, gây thiếu ổn định của văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông dẫn chứng, đối với các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm đẩy nhanh để có hiệu lực, sớm đưa luật vào cuộc sống; kịp thời khắc phục những vấn đề thực tiễn đặt ra. Cụ thể: Trình Quốc hội quyết định có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/8/2024 nhưng đến thời điểm này, hệ thống văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chưa được ban hành đầy đủ, mặc dù yêu cầu đặt ra phải ban hành đồng bộ thì mới có thể triển khai, áp dụng.
Từ thực tiễn hoạt động, đại biểu Nguyễn Trường Giang cũng phân tích nhiều khó khăn, bất cập trong công tác xây dựng pháp luật liên quan tới số lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế. “Trước đây Nghị định 59 đã quy định số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế tại mỗi địa phương, nhưng vẫn chưa triển khai được. Vừa qua, sửa Nghị định nhưng dường như vẫn chưa có một giải pháp mang tính đồng bộ và tổng thể … Do đó, Chính phủ cần phải có giải pháp mang tính chiến lược để đội ngũ làm công tác pháp chế đáp ứng được yêu cầu đề ra.”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đồng tình với các quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu rất rõ hiện nay các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.681 người làm công tác xây dựng pháp luật và chỉ có 1.201 người cán bộ pháp chế chuyên trách. Tại địa phương có 2.916 cán bộ và chỉ có 515 cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách. Trong khi đó, khối lượng công tác xây dựng pháp luật rất lớn, đòi hỏi chuyên môn cao, tâm huyết, kỹ lưỡng;...
Nhấn mạnh số lượng cán bộ chuyên trách còn hạn chế sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của công tác xây dựng pháp luật cũng như năng lực thực thi; dẫn tới tình trạng cùng một quy định pháp luật nhưng một số nơi lại áp dụng và thực hiện khác nhau, đại biểu tỉnh Tiền Giang lưu ý, các giải pháp trong lĩnh vực này cần phải cụ thể, tránh chung chung để sớm khắc phục bất cập, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật. /.