Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, được đông đảo cử tri, Nhân dân đặc biệt quan tâm. Bởi thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá quá cao so với thu nhập của người dân; trong khi đó việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cũng gặp nhiều vướng mắc. Ghi nhận của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội bên lề phiên thảo luận, một số đại biểu cho rằng, vẫn còn những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội; cần đa dạng hóa sản phẩm dành cho người thu nhập nhấp; có giải pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi giá bất động sản; đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê với giá cả hợp lý…
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng – Đoàn ĐBQH thành phố Cần Thơ: Qua giám sát tại các địa phương, tôi cho rằng, khó khăn nhất mà các địa phương gặp phải khi triển khai các dự án nhà ở xã hội là vướng mắc về cơ chế, chính sách. Mặc dù hệ thống pháp luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là quy định về quy trình, thủ tục, quy hoạch… nên trong quá trình áp dụng trong thực tiễn đa phần các địa phương gặp nhiều khó khăn trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là quy hoạch quỹ đất triển khai dự án nhà ở xã hội; cũng như cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà ở xã hội.
Trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra hiện tượng mất cân đối nghiêm trọng về cung – cầu bất động sản, về cơ cấu các bất động sản đưa ra thị trường. Chúng ta đang cung cấp ra thị trường quá nhiều sản phẩm ở phân khúc bất động sản cao cấp, giá cao nhưng lại rất thiếu bất động sản có mức giá trung bình, phù hợp với người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho người lao động. Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý trong việc quy hoạch quỹ đất cho từng loại dự án, ban hành các cơ chế ưu đãi để có các dự án hài hòa ở các phân khúc dự án mà đa số người dân đang cần. Hơn nữa, cơ chế bán nhà vẫn đang tập trung bán cho người dân, mà chưa khai thác các hình thức khác như thuê mua, thuê nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, về cơ bản những vướng mắc thời gian qua đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh khi chúng ta tiếp tục thực hiện các luật có liên quan đến thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Bởi những quy định mới và văn bản hướng dẫn thi hành luật hiện vẫn còn ít nhiều vướng mắc. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần rà soát các quy định liên quan đến chính sách, pháp luật, nếu có vướng mắc về thể chế, chính sách tiếp tục đề nghị tháo gỡ, sửa đổi.
Đối với những vướng mắc không phải do thể chế mà do khâu tổ chức thực hiện, cơ quan chức năng cũng cần rà soát để thấy rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực thi gây nên khó khăn đó.
Trong báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng chỉ rõ có những khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được tích cực tháo gỡ, khiến rất nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc bắt đầu khởi công nhưng vẫn giậm chân tại chỗ trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Trong khi đó, số lượng các dự án còn tồn đọng, dự án chưa khởi công và dự án dở dang rất nhiều, điều này gây ra sự lãng phí lớn – lãng phí nguồn lực của xã hội.
Trong báo cáo giám sát cũng nêu, trong giai đoạn 2015-2023, nguồn lực dành cho phát triển nhà ở xã hội chủ yếu ngoài ngân sách. Tôi cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn. Bởi chủ đầu tư mong muốn quay vòng vốn nhanh, có lợi nhuận cao, nhưng khâu xét duyệt hồ sơ cho người mua nhà ở xã hội rất rườm rà, phức tạp, điều này cũng làm mất thời gian hoàn vốn của chủ đầu tư. Vì vậy, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Có trường hợp, để hoàn vốn nhanh, chủ đầu tư sẽ có các biện pháp khác nhau để đối tượng được mua nhà ở xã hội khó tiếp cận hoặc những người mua nhà ở xã hội chưa chắc đã thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cần đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê với giá hợp lý
Để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền xây dựng nhà ở cho công nhân bằng nguồn quỹ công đoàn. Tôi cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tích cực triển khai có hiệu quả nhất các dự án nhà ở cho công nhân, để giải quyết bài toán thiếu nhà ở cho công nhân, đặc biệt tại các thành phố lớn – nơi tập trung đông lao động – nơi có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cùng với đó, thời gian tới các địa phương cần quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội được xây dựng bằng nguồn ngân sách để hướng đến mục tiêu nhà ở xã hội cho thuê, thay vì nhà ở xã hội để bán hoặc cho thuê mua. Bởi hiện nay, giá nhà ở xã hội dù đã bị khống chế về lợi nhuận, nhưng giá nhà ở xã hội vẫn còn quá cao so với thu nhập của những người thuộc đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội (người nghèo, người cận nghèo ở khu vực nông thôn, người có thu nhập thấp ở các vùng đô thị).
Thực tế, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, đối với những người có thu nhập thấy, toàn bộ số tiền họ kiếm được trong một tháng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình với mức sống eo hẹp và không còn khoản dư để mua nhà ở. Dù người lao động có được hưởng ưu đãi về lãi suất của ngân hàng chính sách để mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không thể mua vì không đủ trả nợ. Do vậy, giải pháp căn cơ để người thu nhập thấp có nơi an cư, lạc nghiệp, tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở xã hội cho thuê với giá cả hợp lý, như vậy mới đáp ứng được nguyện vọng của số đông người lao động.
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Tôi đánh giá cao thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, nhằm khơi thông thị trường bất động sản và nhà ở xã hội, tạo động lực phát triển. Đến nay, có thể thấy thị trường bất động sản phát triển khá sôi động, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển xã hội. Tuy vậy, qua báo cáo giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập cần thiết giải quyết trong thời gian tới. Có nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, nhưng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề vừa là bất cập cũng vừa là nguyên nhân của hạn chế bất cập, đó là chính sách, pháp luật về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội đến nay chưa thực sự được hoàn thiện. Đặc biệt, các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội vừa chậm, vừa thiếu, vừa không rõ. Đây là nguyên nhân gây cản trở, gây ách tắc quá trình triển khai thực hiện pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội ở các địa phương.
Vì vậy, tôi rất kỳ vọng sau đợt giám sát này, trên cơ sở đề nghị của Đoàn giám sát, Quốc hội ban hành nghị quyết, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là nhiệm vụ với Chính phủ, các bộ, ngành nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng việc ban hành các thông tư, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt quan tâm tới các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đối với 03 luật Quốc hội vừa có nghị quyết điều chỉnh để có hiệu lực sớm từ ngày 01/08/2024: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Bởi cả 03 luật này đều liên quan đến thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.