Rà soát tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc thể chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội

28/10/2024

Tại phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, nhiều đại biểu đã chỉ ra những điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong phát triển nhà ở xã hội; đồng thời phân tích nguyên nhân, kiến nghị nhiều giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu Quốc hội hiến kế giảm giá bất động sản

Tổng thuật sáng 28/10: Quốc hội thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”

Các đại biểu đánh giá cao giai đoạn 2015 - 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội tiếp tục được hoàn thiện. Quy mô thị trường bất động sản, số lượng và quy mô dự án bất động sản ngày càng phát triển với nhiều chủ thể tham gia đa dạng về loại hình sản phẩm bất động sản. Đã có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 567.042 căn góp phần quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm được ban hành

Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập, đó là việc ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế. Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ, đặc biệt văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung chưa rõ ràng, dẫn đến không thống nhất trong cách hiểu và lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý, những hạn chế, bất cập trên không chỉ trong giai đoạn 2013 - 2015 còn đang bộc lộ ngay cả trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số luật mới ban hành. Mới đây, Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai năm 2024 với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi, đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, dù mới được thông qua, song tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV lại ban hành Luật điều chỉnh bổ sung một số điều của 4 luật, trong đó có 3 luật nêu trên để cả 3 luật này có hiệu lực thi hành sớm hơn từ ngày 01/8/2024.

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, ban hành các quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, song đến nay chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, trước Kỳ họp thứ 8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, sở, ban ngành tổng hợp những vướng mắc, bất cập, tồn tại trong thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn. Qua đó cho thấy, còn tới 19 vấn đề liên quan đến Luật Đất đai, 15 vấn đề liên quan tới Luật Nhà ở và 4 vấn đề liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản chưa được quy định chi tiết, hướng dẫn rõ ràng trong các nghị định của Chính phủ và các thông tư của các bộ, ngành liên quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng cho biết, qua thống kê làm việc của Đoàn giám sát với các địa phương, đơn vị cho thấy còn không ít những vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Sau khi Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 được ban hành và cụ thể theo Phụ lục 2b còn 4 vướng mắc chung, 9 vướng mắc cụ thể trong chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, 5 chính sách pháp luật về phát triển nhà ở xã hội cũng như 8 ý kiến kiến nghị khác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Cho rằng hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản tương đối đầy đủ, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định vẫn còn những bất cập như văn bản quy định chi tiết hướng dẫn chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên khâu thực hiện còn lúng túng.

Việc thực hiện đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 chưa đạt yêu cầu; các nhà đầu tư tiếp cận đất đai còn khó khăn khi chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn vướng mắc do thay đổi quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là những khó khăn do việc tiếp cận vốn tín dụng, thủ tục vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn rườm rà; có những trường hợp không phải đối tượng mua nhà ở xã hội nhưng lại được mua, còn những đối tượng được mua nhưng lại không được mua; thủ tục mua thuê, cho thuê nhà ở xã hội còn nhiều nhiêu khê…

Rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách, pháp luật phát triển nhà ở xã hội

Nhiều đại biểu khẳng định, việc Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách pháp luật, công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết, kịp thời, đặc biệt đã đề ra các điểm nghẽn, thể chế và đang cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Để việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội hiệu quả hơn, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những tồn tại, hạn chế của chính sách pháp luật phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách pháp luật khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai năm 2024 được ban hành đã được chỉ ra trong báo cáo, cần phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế. Giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình 

Đại biểu nhấn mạnh, những bất cập, chồng chéo về thể chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các dự án luật ngay từ kỳ họp này, nhất là các luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai. Trong đó, cần nghiên cứu quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương, phù hợp với năng lực và gắn với phân bổ nguồn lực. Đồng thời, Chính phủ sớm nghiên cứu, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở sau khi các luật được thông qua.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp để tích cực triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. Đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Một số ý kiến cho rằng, các địa phương cần phải tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các dự án luật, như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở nhằm đảm bảo các chính sách được Quốc hội thông qua phải thực sự đi vào thực tiễn. Tiếp tục nghiên cứu, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội đã bổ sung trong Chương trình xây dựng luật việc xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu là một quyết sách rất kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu là những lĩnh vực liên quan rất mật thiết phát triển nhà ở xã hội.

Song về lâu dài, để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập hiện nay, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần bổ sung những giải pháp riêng đủ mạnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài có nguyên nhân từ việc pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, các dự án bất động sản theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả làm chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và khách hàng đã mua bất động sản.

Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Kiến nghị một số giải pháp phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch; sửa đổi các chính sách để thu hút các nhà đầu tư giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội tượng được tiếp cận tốt hơn với chính sách.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, ưu tiên bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp; đồng thời bố trí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như mua nhà ở xã hội.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Chính phủ cần có chính sách cụ thể hóa theo tinh thần Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; chỉ đạo thực hiện việc giao cho các địa phương phải xác định chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để thực hiện cho được theo đúng tinh thần Chỉ thị 34; cụ thể hóa chính sách để tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ; thực hiện tốt các cơ chế tài chính, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân thụ hưởng chính sách; cụ thể hóa chính sách đặc thù cho người lao động có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp; đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở xã hội và các hình thức thuê, cho thuê, thuê mua, mua với giá cả hợp lý để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.

Ngoài ra, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư nhà ở xã hội. Đồng thời, cần phải cải cách thủ tục hành chính trong việc xem xét duyệt đối tượng đủ điều kiện tham gia mua nhà ở xã hội để vừa thuận tiện, vừa đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Lan Hương