Thảo luận tại tổ 8: Cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 04 điều, gộp 04 điều vào các điều khác.
Dự luật cũng bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp, cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần v.v...
Toàn cảnh phiên họp
Quan tâm tới dự án Luật này, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu rõ, khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật hiện quy định về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Tuy nhiên, để tăng cường tính khả thi của chính sách Nhà nước về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đề nghị thiết kế khoản 9 Điều 5 tương tự như khoản 8 Điều 5 của dự thảo Luật. Theo đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Đối với vấn đề về cho phép doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, đại biểu chỉ ra rằng, hiện tại, dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ được thực hiện khảo sát, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Theo đại biểu, điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng. Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như PVN, EVN đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu
Do đó, để đảm bảo thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên. Việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có. Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.
Cho ý kiến về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại phiên họp tổ, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ nêu rõ, Điều 24 của dự thảo Luật được thiết kế để quy định về phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nội dung của điều khoản này chủ yếu quy định vấn đề phát triển điện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, chứ chưa đề cập đến vấn đề phát triển điện ở vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng nông thôn có mật độ dân cư thấp.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu
Đại biểu cho biết, vừa qua đoàn ĐBQH thành phố có tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan, đặc biệt là ngành điện lực thì nhận thấy hiện nay việc triển khai mạng lưới điện ở khu vực dân cư thưa thớt đang bị vướng. Vì nếu tính về chi phí thì ngành điện sẽ không đủ sức. Do đó, vấn đề này nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ trong quá trình phát triển điện ở nông thôn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm tới Điều 57 về thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Theo đó, tại khoản 1 Điều 57 có quy định về các trường hợp tổ chức bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực: Tổ chức có nhu cầu ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực đã được cấp phép cho tổ chức khác; Không bảo đảm một trong các điều kiện hoạt động điện lực được cấp phép theo quy định; Không thực hiện đúng lĩnh vực hoạt động điện lực hoặc phạm vi hoạt động điện lực được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực; Cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực; Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực; Không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm các quy định về giấy phép hoạt động điện lực và không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một điểm quy định về việc thu hồi giấy phép hoạt động của các tổ chức trong trường hợp tổ chức đó bị cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm hoạt động điện lực.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long điều hành nội dung thảo luận
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tại phiên họp
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại phiên họp
Đại biểu Bùi Văn Nghiêm - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long kết luận nội dung thảo luận./.