Thông qua quyết sách đột phá về tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội
Kết luận của UBTVQH về việc xem xét kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội phỏng vấn đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang về nội dung trên.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào khi giá nhà đất được đánh giá là đang trong tình trạng tăng cao hơn nhiều so với thực tế?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Đoàn giám sát của Quốc hội vừa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Tới đây, Quốc hội sẽ có đánh giá một cách tổng quát về tình hình phát triển của thị trường bất động sản cũng như việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ có báo cáo đánh giá tổng thể cũng như đưa ra các giải pháp một cách đồng bộ.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường bất động sản đang có những bất bình thường thể hiện qua tính đầu cơ đối với thị trường này khá lớn và điều này đã đẩy giá bất động sản lên cao nhiều so với giá trị thực tế. Vì vậy, việc quản lý thị trường bất động sản cần có nhiều mục tiêu để hướng tới. Tôi cho rằng, phải đặt mục tiêu giảm đầu cơ, động cơ thao túng, kích giá, thổi giá để thị trường bất động sản phát triển bình thường, lành mạnh nhằm đưa đất đai, nhà ở, các công trình được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất, tạo nên giá trị thực cho nền kinh tế.
Phóng viên: Giá nhà đất tăng cao đã khiến người dân khó có khả năng tiếp cận. Trong khi đó, nhà ở xã hội lại chậm được triển khai. Vậy theo đại biểu, đâu là nguyên nhân khiến việc xây dựng nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế đầu cơ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh nhưng theo tôi, những giải pháp đó chưa thực sự căn cơ và đây cũng là nhiệm vụ sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận.
Đối với nhà ở cho người dân và người lao động đang bị thổi giá lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Điều này khiến cho người dân có nhu cầu thực không tiếp cận được. Nếu Chính phủ giải quyết được bài toán quản lý thị trường bất động sản thì sẽ góp phần giúp cho người mua thực sự tiếp cận theo các nhu cầu khác nhau. Còn đối với nhà ở xã hội, Chính phủ đang triển khai theo hướng đưa ra mức giá phù hợp với khả năng chi trả của đông đảo người dân, người lao động cũng là một cách tiếp cận.
Việc khơi thông xây dựng nhà ở xã hội cần được quan tâm hơn nữa (ảnh minh họa: Internet)
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy xây dựng nhà ở nhưng chưa huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho người lao động. Nguyên nhân là do các chính sách chưa tạo được động lực khuyến khích đông đảo doanh nghiệp tham gia. Bởi với doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội ngoài trách nhiệm xã hội thì họ cũng mong muốn nhận được lợi nhuận. Nếu so với phát triển nhà thương mại có thể lợi nhuận cho doanh nghiệp thấp hơn nhưng vẫn phải đảm bảo theo mức bình quân của thị trường trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội.
Ngoài ra, đất đai dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội phải được tiếp cận một cách thuận lợi với chi phí thấp chứ không phải như hiện nay là đất quy hoạch dành cho xây dựng nhà ở xã hội đã không nhiều nhưng chi phí giải phóng mặt bằng để tạo lập quỹ đất lại rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực đất đai để xây dựng các công trình nhà ở xã hội cũng rất khó khăn.
Phóng viên: Vậy, những giải pháp căn cơ nhằm khơi thông việc xây dựng nhà ở xã hội là gì thưa ông?
ĐBQH Trần Văn Lâm: Với những bất cập trên, theo tôi, Quốc hội cần đồng hành cùng Chính phủ đưa ra những giải pháp căn cơ để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia tiếp cận với quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội với giá trị từ thấp đến cao. Như vậy, sẽ góp phần xóa nhòa ranh giới, khoảng cách giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là phải quản lý thị trường bất động sản một cách bền vững, ổn định.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!