Tổng thuật chiều 23/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.
Dự thảo Luật cũng bảo đảm Công đoàn Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, thu hút đông đảo người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Công đoàn Việt Nam; Kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thi hành Luật Công đoàn hiện hành và sửa đổi một số nội dung để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo
Về việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động là người nước ngoài (Điều 5), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, tại Tờ trình số 07/TTr-TLĐ ngày 19/4/2024, Cơ quan soạn thảo trình Quốc hội hai phương án và lựa chọn phương án 1 là bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đã cung cấp thông tin tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về nội dung này.
Việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”; bổ sung cụm từ “và thôi tham gia”, thể hiện tại tên điều (thành “Quyền thành lập, gia nhập, hoạt động và thôi tham gia công đoàn”) và khoản 4 Điều 5. Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.
Toàn cảnh phiên họp
Về việc gia nhập công đoàn của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trong khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập hoặc giải thể tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, Điều 6 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các điều kiện chặt chẽ như: bổ sung quy định về hồ sơ gia nhập, trình tự, thủ tục gia nhập Công đoàn Việt Nam; quy định trách nhiệm, hệ quả pháp lý khi gia nhập Công đoàn Việt Nam và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Bảo đảm linh hoạt, hài hòa trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
Về bảo đảm tổ chức bộ máy, cán bộ công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng giữ như quy định tại Điều 23 của Luật Công đoàn hiện hành và thể hiện tại Điều 26 của dự thảo Luật. Đồng thời, thể chế hóa nhiệm vụ “Nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để tuyển dụng cán bộ trưởng thành từ công đoàn cơ sở, trong phong trào công nhân; thu hút, tạo động lực cho cán bộ công đoàn.” được xác định tại Nghị quyết số 02 vào khoản 5 Điều 23 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động, công đoàn, tiếp thu ý kiến đại biểu, thời giờ làm việc của cán bộ công đoàn không chuyên trách được giữ như quy định hiện hành, thể hiện tại khoản 2 Điều 27 của dự thảo Luật. Về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 30 quy định về các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền và tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 31 theo hướng: Bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (khoản 1); Rà soát nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn (khoản 2); Không quy định trong Luật việc phân phối kinh phí công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của người lao động để bảo đảm linh hoạt, hài hòa; Bổ sung quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn.” (khoản 4); Giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp (khoản 5).
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp
Về giám sát của Công đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về quyền giám sát của Công đoàn theo hướng: Tách nội dung tham gia giám sát tại Điều 15 của dự thảo Luật (gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội) để gộp vào Điều 16 về giám sát của Công đoàn; Quy định giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia, phối hợp giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và hoạt động chủ trì giám sát (khoản 1); Hoạt động tham gia, phối hợp giám sát thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan (khoản 2); Tính chất, nội dung, mục đích, nguyên tắc, hình thức của hoạt động chủ trì giám sát (các khoản 3, 4 và 5); Quyền, trách nhiệm của Công đoàn khi thực hiện hoạt động chủ trì giám sát (khoản 6); (6) Quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức được giám sát (khoản 7).
Ngoài ra, về phản biện xã hội của Công đoàn, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý như thể hiện tại Điều 17 để bảo đảm thống nhất với Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.