Ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam

24/10/2024

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Nếu hồ sơ dự án được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng tạo nên bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chia sẻ bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình, ủng hộ cao, nhưng lưu ý cần ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính, tập trung trí tuệ, nhân lực và sự chỉ đạo điều hành sát sao đối với dự án này.

Thủ tướng: Đề xuất cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Ảnh: Chinhphu.vn)

Dự kiến, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án có điểm đầu tại Tp. Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm). Tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 1.541km, đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ cao với chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng đường sắt tốc độ cao. Đây cũng là sự mong đợi của người dân, “sáng ăn sáng ở TP. Hồ Chí Minh, trưa làm việc tại Hà Nội”. Đại biểu cho biết, thời gian trước đây, chúng ta chưa có điều kiện xây dựng, nhưng hiện nay đã có đủ tiềm lực, có dư địa về ngân sách, dư địa nợ công và có nền tảng cơ bản để triển khai dự án này. Chúng ta cũng đã có đủ nền tảng khoa học công nghệ học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong việc triển khai dự án và có sự mong đợi của Nhân dân, nên chúng ta phải tập trung làm và làm cho được.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh 

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, sau khi hoàn thành dự án sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, sẽ mở rộng không gian phát triển, sẽ tạo ra những điều kiện tiền đề, nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Chúng ta cũng không nên tập trung quá nhiều vào tiền vé là bao nhiêu, có bù đắp được đầu tư hay không, mà nên chú ý đến dự án này sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mang lại sự tiện lợi cho việc đi lại của người dân, hoạt động vận chuyển hàng hóa, thu hút khách du lịch và quan trọng hơn là tại những trạm dừng, giá trị đất đai, bất động sản sẽ tăng lên”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Để đảm bảo tiến độ đến năm 2035 đưa vào vận hành, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta có quyết tâm chính trị, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là thể chế, cơ chế để thực hiện. Chúng ta có nhiều thuận lợi, đó là trình độ xây dựng của Việt Nam đã được chứng minh qua quá trình xây dựng nhiều công trình, cây cầu có quy mô lớn; nợ công đã giảm xuống; Việt Nam đã thăng hạng trong bảng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, nên có thể vay với lãi suất thấp… nên việc triển khai dự án sẽ đảm bảo tính khả thi.

“Tôi có lưu ý thêm là, đã làm thì phải làm chất lượng, chấp nhận tốn kém đầu tư đầy đủ để đảm bảo chất lượng của công trình. Chúng ta cũng cần lưu ý đến yếu tố biến đổi khí hậu và đặc điểm biến đổi khí hậu đang tác động đến chiều dài của đất nước. Chúng ta phải đảm bảo được hệ thống đường sắt tốc độ cao kết nối với hệ thống giao thông công cộng, như vậy tôi tin là sẽ thành công”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Khẳng định sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây cũng là xu hướng của nhiều quốc gia phát triển đã xây dựng đường sắt tốc độ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương rất lớn của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc triển khai đầu tư các dự án lớn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh đây là dự án có quy mô rất lớn, cần chú ý đến khâu tổ chức thực hiện, lựa chọn nhà thầu, giám sát của các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án.

Còn đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tin tưởng, nếu chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được thông qua sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Đại biểu lấy ví dụ về việc triển khai xây dựng thành công đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh, cho thấy bài học về huy động lực lượng triển khai các dự án lớn. Đây là kinh nghiệm quý báu để triển khai xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định

Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta cần ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam; song song với đó huy động nhân lực, vật tư, máy móc và thể hiện tinh thần quyết tâm từ lãnh đạo cao nhất đến những công nhân trực tiếp thi công trên công trường. Nếu làm được điều này, đại biểu tin tưởng dự án sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến năm 2035 như kế hoạch đề ra.

“Tôi cũng thấy rất tự hào khi chúng ta có một công trình giao thông vĩ đại như vậy, chúng ta cũng có thể ngẩng cao đầu sánh vai cùng với các cường quốc xung quanh về giao thông”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng chia sẻ.

Về một số lo ngại nguồn vốn bố trí cho dự án, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đánh giá, hiện nay quy mô GDP đã tăng lên so với giai đoạn trước nên có thể yên tâm về nguồn lực tài chính. Chúng ta cũng hoàn toàn yên tâm về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, trình độ xây dựng, trình độ tư duy, khả năng lãnh đạo, quản lý... để xây dựng thành công dự án này.

Lan Hương - Phạm Thắng