ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà: Bổ sung thêm các biện pháp quản lý, sử dụng di tích nằm trên địa bàn 2 tỉnh

23/10/2024

Góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung thêm một điểm về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích cụ thể của người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Tổng thuật chiều 23/10: Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 23/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết nhiều nội dung, vấn đề được đặt ra tại Kỳ họp thứ 7, hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã được tiếp thu, chỉnh lý, giải trình cụ thể, khoa học, hợp lý.

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật về di tích, di sản liên tỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tại khoản 4, Điều 32 dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về Người đại diện, tổ chức được giao quản lý sử dụng di tích có địa bàn phân bố từ 02 tỉnh trở lên và đã xác định tương đối rõ Nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích tại Điều 33 của dự thảo luật.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế hiện nay, tại các địa phương có di tích, di sản liên tỉnh đang áp dụng các biện pháp quản lý di sản khác nhau. Có địa phương quy định chặt, địa phương nới lỏng hơn về tiêu chí, tiêu chuẩn tổ chức các hoạt động quản lý, tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội ở di tích, di sản dẫn đến việc tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp di chuyển việc đăng ký từ địa phương này, sang địa phương khác để được cơ chế quản lý thuận tiện hơn. Và di tích, di sản là đối tượng phải chịu những bất cập đó trước tiên; tiếp đến là việc di chuyển đến nơi dễ dàng được chấp nhận tiêu chí quản lý thấp hơn gây ảnh hưởng không tốt đến cảnh quan và đảm bảo an ninh, an toàn... Và những bất cập đó, chưa có biện pháp, cơ chế để xử lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị: tại khoản 4, Điều 32 đề nghị bổ sung thêm một điểm về các biện pháp quản lý, sử dụng di tích cụ thể của người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích nêu tại Điều 33 của Luật này đối với di tích nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, nếu có tác động về kinh tế, xã hội và môi trường đến khu vực bảo vệ nằm trên địa bàn của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cùng di tích thì phải có sự đánh giá tác động và thống nhất giữa 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong trường hợp 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thống nhất về biện pháp quản lý, sử dụng di tích thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, hướng dẫn thống nhất bảo đảm việc quản lý di tích theo nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nêu tại các khoản 4,6,8 Điều 6 Luật này.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di sản thiên nhiên thế giới, di quốc gia đặc biệt.

Theo đại biểu, thực hiện Luật Thủy sản; Luật biển, Luật Tài nguyên biển và hair đảo; Quy hoạch không gian biển Quốc gia; việc giao các khu vực biển nhất định cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã được quy định tại Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/02/2021. Trong đó, thẩm quyền của  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển quyết định giao khu vực biển nằm trong phạm vi vùng biển 06 hải lý; Ủy ban nhân dân cấp huyện có biển quyết định giao khu vực biển cho cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản nằm trong vùng biển 03 hải lý. Ngoài 6 hải lý thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, mặt nước, khu vực biển thuộc Di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long là Di sản văn hóa được xác lập thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4 của dự thảo luật; và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền giao mặt nước, khu vực biển tại Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho các tổ chức, cá nhân khai thác.

Do đó, tại dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định giao mặt nước, khu vực biển tại di tích Quốc gia đặc biệt, di sản thiên nhiên thế giới đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp tại Hội trường Diên Hồng.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị bỏ quy định tại điểm n, khoản 2, điều 94 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;”. Thay vào đó nên quy định trong dự  luật về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện pháp luật về di sản văn hóa, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, để tổ chức thực hiện pháp luật về di sản văn hóa thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo nhiệm vụ quyền hạn của mình phải có trách nhiệm phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến di sản văn hóa chứ không chỉ là với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng giám sát, phản biện xã hội nên sẽ giám sát hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa, nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là đối tượng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị cân nhắc rà soát quy định tại Điều 97 về Thanh tra di sản Văn hoá, vì pháp luật về Thanh tra không quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành có chức năng “kiểm tra”./.

Trọng Quỳnh